Ngày 1/8, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực phía Bắc "Đối thoại chính sách trong sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội."
Hội nghị đã cung cấp thông tin về các sửa đổi chính sách trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội và tham vấn ý kiến của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người lao động và các bên liên quan nhằm thúc đẩy mở rộng sự tham gia bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền an sinh xã hội của công dân, hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động trong quá trình xây dựng dự thảo Luật.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh việc cải thiện các chỉ số an sinh xã hội, trong đó việc mở rộng đối tượng và tăng cường tính bền vững của hệ thống bảo hiểm xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội.
Việc sửa đổi Luật lần này sẽ ảnh hưởng đến hai mục tiêu: đảm bảo an sinh xã hội thông qua việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm số lượng người hưởng trợ cấp một lần và thực hiện nguyên tắc đóng- hưởng để đảm bảo cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội thông qua việc điều chỉnh công thức tính lương hưu, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, đổi mới hoạt động của tổ chức bảo hiểm xã hội, quản lý quỹ an toàn, hiệu quả.
Kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho thấy đến cuối năm 2013, tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã đạt khoảng 10,8 triệu người tham gia (78% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006).
Cuối năm 2013, mới chỉ có khoảng 173.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm 0,5% tổng số lao động thuộc diện tham gia. Tuy nhiên, phần lớn lao động trong khu vực phi chính thức, nông dân chưa tham gia loại hình bảo hiểm xã hội này.
Nhìn chung, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện còn thấp, mới chiếm khoảng 20% tổng lực lượng lao động. Điều này có nghĩa trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu.
Với phạm vi tác động rộng, liên quan đến hầu hết các nhóm lao động khác nhau trong nền kinh tế và cả những người lao động đã nghỉ hưu, các ý kiến tại hội thảo cho rằng việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này cần phải đáp ứng sự đa dạng về nhu cầu an sinh xã hội của các tầng lớp nhân dân, người lao động, ngưởi sử dụng lao động và thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân theo quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề đơn giản đối với các quốc gia đang phát triển với nguồn lực đầu tư cho an sinh xã hội còn hạn hẹp.
Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, cho biết việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội sẽ gồm đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ một tháng đến dưới ba tháng được giao kết bằng văn bản; áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
Bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bổ sung công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; thu hẹp việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần cho nhóm lao động; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính đánh giá việc mở rộng đối tượng dưới ba tháng tham gia bảo hiểm xã hội sẽ góp phần khắc phục tình trạng bất cập hiện nay.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi cần phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh, kiên quyết đối với các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động, nếu không người sử dụng lao động có thể sẽ lại ký hợp đồng lao động dưới một tháng để né tránh việc tham gia bảo hiểm xã hội, khi đó quy định này không đạt được mục tiêu đề ra.
Các đại biểu tham gia Hội thảo đã tập trung trao đổi về các chủ đề chính: các vấn đề chung về quan điểm, định hướng, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Quyền và nghĩa vụ của người lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu để hoàn thiện dự án Luật này trong thời gian tới./.