Đối thoại kinh tế ASEAN-EU khai thác tiềm năng hợp tác

Với tiềm năng hợp tác to lớn trên mọi lĩnh vực, ASEAN và EU có thể chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau về hội nhập và xây dựng cộng đồng chung.

Trong khuôn khổ tăng cường hiểu biết, hợp tác song phương và hỗ trợ quá trình hội nhập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ban thư ký ASEAN, Đại sứ quán Pháp, Đức và Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Indonesia đã phối hợp tổ chức Đối thoại kinh tế ASEAN trong hai ngày 10 và 11/12 tại trụ sở Ban thư ký ASEAN ở Jakarta.

Tham dự Đối thoại kinh tế ASEAN có đại diện Đại sứ quán các nước thành viên của ASEAN và các nước thành viên của EU tại Indonesia, Phái đoàn thường trực các nước ASEAN và các nước EU và EU tại ASEAN, các nhà kinh tế đến từ các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học của Indonesia, và đại diện một số doanh nghiệp hàng đầu khu vực và quốc tế đang hoạt động tại ASEAN.

Phát biểu tại cuộc Đối thoại, Đại sứ Pháp, Đức tại Indonesia, ASEAN và Timor Leste cùng Đại sứ EU tại ASEAN, Indonesia và Brunei đều khẳng định tiềm năng hợp tác to lớn trên mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế giữa ASEAN và EU, cũng như sự chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau về hội nhập và xây dựng cộng đồng chung, khi cả hai có nhiều nét tương đồng trong các tiến trình này.

Các nhà đại diện Ngoại giao Pháp, Đức và EU cũng tái khẳng định cam kết hỗ trợ của Chính phủ Pháp, Đức và EU dành cho ASEAN cũng như cho các nước thành viên Hiệp hội, trong đó có việc phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và khu vực tư nhân, đồng thời cho rằng cuộc Đối thoại lần này cũng như trong tương lai sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các khu vực công-tư của ASEAN và EU chia sẻ kinh nghiệm của mình trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập khu vực, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác, đối tác, đầu tư, thương mại và thị trường giữa đôi bên.

Trong khuôn khổ của cuộc Đối thoại, các diễn giả tập trung trao đổi, thảo luận về tác động của những tiến bộ ASEAN đã đạt được trong tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015; kết nối trong ASEAN và kết nối ASEAN-EU; các bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong đó có cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu; tầm quan trọng của hội nhập khu vực và thương mại trong đối phó với các thách thức toàn cầu: Triển vọng của ASEAN và EU; tiến bộ cải cách kinh tế của ASEAN trên quan điểm các mục tiêu AEC 2015 và triển vọng của khu vực tư nhân.

Phó Tổng thư ký ASEAN Lim Hong Hin lưu ý rằng ASEAN và EU còn tiềm năng rất lớn để tăng cường hợp tác và trao đổi thương mại, khi tỷ trọng thương mại ASEAN-EU trong tổng thương mại của ASEAN mới chỉ ở mức 9,8% trong năm 2011./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.