Ngày 9/4, tỉnh Hậu Giang tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đòn bẩy cho logistics nông sản Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm chỉ ra thực trạng cũng như đưa ra giải pháp góp phần tháo gỡ những rào cản về logistics đang tồn tại, yếu kém thời gian qua.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã phân tích, đánh giá những lợi thế, tiềm năng phát triển của lĩnh vực logistics phục vụ cho nông sản tại Hậu Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, vướng mắc về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như những khó khăn tồn đọng, vùng sản xuất, hạ tầng logistics.
[Phát triển hệ thống logistics, tạo sức bật cho khu vực ĐBSCL]
Qua đó, đề xuất các nhà quản lý cần rà soát lại và đưa ra những chủ trương phù hợp, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và nông dân, thúc đẩy logistics phục vụ cho hàng nông sản Hậu Giang nói riêng và cả vùng cùng phát triển.
Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, để logistics phục vụ nông sản Đồng bằng sông Cửu Long có bước phát triển hiệu quả trong thời gian tới, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần tạo điều kiện tốt nhất để xuất khẩu hàng hóa thuận lợi, với chi phí logistics tối ưu nhằm rút ngắn thời gian và quy trình thủ tục được thực hiện tại một điểm đến duy nhất.
“Các doanh nghiệp sẽ quy tụ để cùng giao thương, mua bán, yên tâm chọn lựa sản phẩm ưa thích; không cần đi nhiều nơi, di chuyển qua nhiều vùng nguyên liệu để chọn lựa; chỉ cần có mặt tại một nơi là có thể thu mua bất kỳ loại nông sản nào đang có nhu cầu,” ông Đồng Văn Thanh nói.
Nhiều ý kiến đại biểu đề xuất mô hình trung tâm logistics “tất cả trong một.”
Các đại biểu đề xuất kết hợp cảng quốc tế Long An cùng hệ thống cảng khác của Đồng bằng sông Cửu Long, tạo bước đột phá mới trong xuất khẩu nông sản đi các nước trên thế giới với chi phí hợp lý hơn.
Nhiều mặt hàng nông sản Đồng bằng sông Cửu Long không cần đưa lên cảng Cát Lái tại Thành phố Hồ Chí Minh hay Cảng Cái Mép ở Bà Rịa-Vũng Tàu để chuyển đi các nước.
Bên cạnh đó, các địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Từ đó, thúc đẩy phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo một thể thống nhất.
Song song đó, các địa phương tăng cường phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; cơ sở chế biến tại các vùng sản xuất bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất lớn; phát triển hệ thống logistics tăng khả năng kết nối các trung tâm cung ứng nông sản, giảm chi phí, tăng chất lượng, tăng sức cạnh tranh.
Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết do “điểm nghẽn” lớn nhất của nông sản Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn yếu kém, chưa đảm bảo. Nên nếu công nghệ bảo quản đảm bảo và vận chuyển bằng đường biển thì chi phí xuất khẩu nông sản sẽ giảm đáng kể, giảm hơn 15 lần so đường hàng không như hiện nay.
“Do vậy, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần phải được quan tâm hơn nữa trong việc phát triển hạ tầng như đầu tư các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết các tỉnh, thành và một số tuyến quốc lộ trong vùng. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được dễ dàng và sâu rộng hơn với vùng nguyện liệu của bà con nông dân nơi đây,” bà Ngô Tường Vy bày tỏ.
Thực tế hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long lên đến hàng chục triệu tấn.
Tuy nhiên, cảng biển tại Đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Trong khi đó, một số cảng trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng…
Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh; thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị chiếu xạ đạt chuẩn…
Hàng hóa nông sản vẫn đang phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và đưa lên Thành phố Hồ Chí Minh để xuất đi các nơi./.