Ngày 17/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội truyền thông số Việt Nam và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến hướng đến Chính phủ số - mô hình và giải pháp công nghệ.”
Sau 9 tháng vận hành, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 1.194 dịch vụ công trực tuyến, với 6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền.
Hệ thống thanh toán trực tuyến đáp ứng thanh toán cho tài khoản của 38/46 ngân hàng và đã xử lý 13.600 giao dịch.
Cổng dịch vụ công cũng đã đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký, hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên cổng.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, hiện nay các bộ, ngành, địa phương đã triển khai dịch vụ công trực tuyến, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao, đạt tỷ lệ 97,3% đúng hẹn.
Tỷ lệ cung cấp thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tăng nhanh; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua các dịch vụ công cũng tăng, đặc biệt tại các bộ.
[Chính phủ yêu cầu các tỉnh đẩy nhanh tiến độ tích hợp dịch vụ công]
Theo xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, Việt Nam hiện tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á.
Các chuyên gia cho rằng, để đạt mục tiêu tới năm 2025, Việt Nam nằm trong top 4 tại ASEAN và thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử, còn rất nhiều việc cần thực hiện, cần hoàn thiện lộ trình, lựa chọn giải pháp thích hợp.
Cũng theo ông Ngô Hải Phan, Cổng dịch vụ công quốc gia ưu tiên tích hợp thủ tục hành chính có lượng người thực hiện lớn, liên quan đến nhiều cơ quan và có ý nghĩa thúc đẩy, tạo cơ sở cho việc thực hiện trên môi trường điện tử; đồng thời thực hiện tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ khai báo thông tin và thanh toán trực tuyến. Việc này giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 6.700 tỷ đồng/năm và tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành Chương trình chuyển đổi số và cập nhật kiến trúc Chính quyền điện tử, trong đó kiến trúc Chính quyền điện tử đóng vai trò định hướng và đồng bộ hóa các ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố.
Ngoài ra, Thành phố cũng ban hành Quy chế tích hợp và vận hành Kho dữ liệu dùng chung, tạo hành lang pháp lý tích hợp các cơ sở dữ liệu hiện có về Kho dữ liệu dùng chung; đồng thời nghiên cứu xây dựng phương án kết nối cơ sở dữ liệu hiện có của thành phố với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, việc tổ chức khai thác Kho dữ liệu dùng chung nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành của thành phố, đồng thời cung cấp các tiện ích khai thác dữ liệu hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Dữ liệu dùng chung là nguồn lực, tài sản quý giá và các cơ quan tại thành phố sẵn sàng mở ra các kênh chia sẻ dữ liệu, thông tin giúp người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng.
Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp về phát triển Chính phủ điện tử, chính phủ số đã trao đổi, chia sẻ và cập nhật các công nghệ nghệ mới, quy trình và kinh nghiệm ứng dụng công nghệ tại các quốc gia phát triển; giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin tiêu biểu tham gia lộ trình, đề án, dự án phát triển Chính phủ điện tử, chính phủ số.
Ngoài phiên chính, Hội thảo có các phiên thảo luận chuyên đề: Sáng tạo, năng động trong hoạt động quản lý vận chuyển, giao nhận và kho bãi; chuyển đổi số ngành giáo dục và xây dựng môi trường giáo dục 4.0; chuyển đổi số lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe./.