Dồn lực khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão lũ ở miền Trung

Để khôi phục lại sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống của người dân sau bão lũ, các tỉnh miền Trung cần dồn tổng lực triển khai các giải pháp đồng bộ, căn cơ mang tính bền vững dài lâu.
Dồn lực khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão lũ ở miền Trung ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Từ giữa tháng 9/2020 đến nay, các đợt bão, lũ xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung với quy mô rộng lớn, cường độ mạnh gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn các tỉnh miền Trung.

Để khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống của người dân sau bão lũ, các tỉnh miền Trung cần dồn tổng lực triển khai các giải pháp đồng bộ, căn cơ mang tính bền vững dài lâu.

[Tập trung tái thiết cơ sở hạ tầng, thủy lợi ở Quảng Trị]

Đó là nội dung của Hội nghị “Triển khai công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai năm 2020,” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 27/11 tại tỉnh Quảng Trị.

Hội nghị có sự tham dự của gần 150 đại biểu đến từ các bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh từ Hà Tĩnh-Quảng Ngãi.

Ưu tiên sản xuất cây, con ngắn ngày

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơn bão, lũ từ cuối tháng 9-11/2020 làm thiệt hại 2.200ha lúa; diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả bị ảnh hưởng khoảng 6.830 ha; sản xuất cây hàng năm khác bị ảnh hưởng khoảng 13.600ha; tổng diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp khoảng trên 2.620ha; khoảng trên 1.500 tấn hạt giống lúa, rau màu dự trữ trong dân bị hỏng; khoảng 165km đê bị sự cố...

Sau bão lũ, nhiều người dân lâm vào cảnh trắng tay, ruộng vườn bị bồi lấp sâu trong cát... mặc dù được Chính phủ, Nhà nước và chính quyền các địa phương quan tâm hỗ trợ kịp thời.

Thế nhưng giải pháp căn cơ, mang tính lâu là dài phải khôi phục sản xuất nông nghiệp; trong đó tập trung trước mắt ưu tiên trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, hạ tầng nông thôn...

Dồn lực khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão lũ ở miền Trung ảnh 2Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tặng 1.500 con cá giống cho trại cá giống Trúc Kinh ở huyện Gio Linh (Quảng Trị). (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Hiện nay, các địa phương đang tập trung chỉ đạo cũng như hỗ trợ người dân sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi các loại cây, con ngắn ngày.

Đồng thời, chủ động liên hệ, kết nối huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân một số chủng loại giống cây trồng, vật nuôi nhằm kịp thời phục vụ dân sinh, sớm ổn định cuộc sống cho người dân bị thiệt hại sau bão lũ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phân bổ kịp thời giống cây trồng kịp thời để người dân triển khai vụ Đông muộn.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, cho biết qua các đợt bão lũ vừa qua, Quảng Nam bị thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng.

Sau bão lũ, tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai ổn định cuộc sống nhân dân thông qua các giải pháp như làm nhà tạm, quy hoạch lại khu dân cư, sớm hỗ trợ lương thực, cây con giống kịp thời cho người dân...

Hiện nay, tỉnh đang tập trung hỗ trợ người dân sản xuất trồng trọt, chăn nuôi các loại cây con ngắn ngày có thời gian sinh trưởng ngắn, có thể thu hoạch sớm để phục vụ nhu cầu trước mắt và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Để kịp thời tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021, các tỉnh miền Trung cũng đã tổ chức huy động các lực lượng vũ trang, hội đoàn thể tổ chức các đợt ra quân vệ sinh, cải tạo đồng ruộng. Đồng thời, có phương án chuyển đổi sản xuất cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích bị bồi lấp.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, chia sẻ tỉnh đã huy động hàng ngàn ngày công của các lực lượng, phương tiện để ra quân xung kích triển khai san, gạt, cải tạo đồng ruộng và diện tích hoa màu bị vùi lấp; hàn gắn tạm thời các tuyến kênh mương bị hư hỏng, sẵn sàng triển khai vụ Đông Xuân 2020-2021 thắng lợi.

Qua quá trình triển khai, tỉnh đã cải tạo ruộng đất được hơn 1.000ha tại các huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh và thị xã Quảng Trị...

Tuy nhiên, do khối lượng diện tích lúa, hoa màu bị vùi lấp khá lớn nên việc tác cải tạo, hoàn trả diện tích và hệ thống kênh mương nội đồng bị vùi lấp vẫn đang gặp nhiều khó khăn, cần phải huy động phương tiện cơ giới và lực lượng nhân công lớn trong thời gian dài mới có thể hoàn thành được...

Cấp thiết sửa chữa hạ tầng

Nhằm khắc phục hậu quả bão lũ, đảm bảo cuộc sống người dân về lâu dài, nhiều giải pháp đã được các tỉnh đặt ra và đã triển khai thực hiện như quy hoạch lại sản xuất phù hợp với điều kiện vùng lũ, nguy cơ sạt lở cao; chuyển đổi đất, cây trồng, thời vụ; chăn nuôi, chăn nuôi đại gia súc; xây dựng, quy hoạch xử dụng đất...

Hiện nay, để cung cấp nguồn nước tưới cho vụ Đông Xuân 2020-2021, ngành nông nghiệp các tỉnh cũng đã kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp khôi phục khẩn cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn bị hư hỏng, bồi lấp với quyết tâm sản xuất một vụ mùa thắng lợi bù đắp những thiệt hại do mưa lũ. Qua đó, đảm bảo lâu dài cho cuộc sống của người dân.

Dồn lực khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão lũ ở miền Trung ảnh 3Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Nhiều hoạt động được triển khai trên diện rộng như tổ chức nạo vét, đắp sửa tạm thời bằng đất đối với các công trình kênh mương, trạm bơm, trục tiêu, hệ thống giao thông nội đồng...; tổ chức rà soát, gia cố các đoạn đê kè, xung yếu yếu bị hư hỏng, sạt trượt, đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt bảo vệ sản xuất; khôi phục sửa chữa hạ tầng thủy sản; đẩy mạnh nuôi cá nước ngọt và khai thác xa bờ để bù đắp lượng thủy sản nuôi bị mưa lũ cuốn trôi...

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ địa phương đã triển khai các biện pháp hỗ trợ cuộc sống trước mắt cho người dân với quyết tâm không để ai bị đói hoặc rét. Đồng thời, tỉnh đã có chủ trương sẽ tiến hành hỗ trợ 100% giống trong vụ Đông và Xuân tới đây cho người dân.

Hiện, bà con đang từng bước nhận được tiền hỗ trợ và giống. Tỉnh cũng đã và đang triển khai nhiều biện pháp, nguồn lực để chuẩn bị kĩ cho vụ mùa sắp tới, đặc biệt ưu tiên chọn nguồn giống, vật nuôi tốt.

Hà Tĩnh đang tập trung triển khai khắc phục những cơ sở hạ tầng thủy lợi bị hư hại, phát động toàn dân ra quân làm thủy lợi, khẩn cấp sữa chữa các công trình đê kè, thủy lợi để kịp thời phục vụ cho vụ Đông Xuân đồng thời lên phương án đối phó với thiên tại về lâu dài...

Để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, trước đó Chính phủ đã xuất cấp 15.804 tấn gạo; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ 23 tấn hạt giống ngô và gần 16 tấn hạt giống rau cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng huy động từ các doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ 13 tấn lúa, ngô giống các loại, để giúp người dân 4 tỉnh trên.

Cùng với đó, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỷ đồng cho 9 tỉnh miền Trung; Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kêu gọi các tổ chức quốc tế và một số quốc gia hỗ trợ tiền, hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 21,53 triệu USD.

Các tỉnh cũng đã chủ động, phối hợp rất chặt chẽ với một số cơ quan đơn vị của bộ, ngành, doanh nghiệp tập trung khắc phục hậu quả bão lũ.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung về Phòng chống thiên tai, cho biết để khắc phục hậu quả các đợt bão lũ liên tiếp vừa qua phải dồn hết sức lực tổng thể cả về vật lực và nhân lực để triển khai nhanh các nhóm giải pháp ngắn hạn, dài hạn, trung hạn và trước mắt phấn đấu từ nay đến Tết âm lịch phải phục hồi cho người dân đảm bảo đời sống.

Thông qua các biện pháp tăng gia sản xuất các nhóm dối tượng ngắn hạn như trồng trọt rau màu ngắn ngày, chăn nuôi trong thời gian từ 2-3 tháng có thể sớm thu hoạch nhằm tăng thu nhập sinh kế cho người dân.

Bên cạnh đó, các địa phương phải triển khai các giải pháp chuẩn bị kỹ cho vụ Đông Xuân 2020-2021 như cải tạo mặt bằng, chuẩn bị vật tư, giống, khoa học kỹ thuật... để tổ chức lại sản xuất từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản một cách tốt nhất đạt hiệu quả cao nhằm bù lại những thiệt hại vừa qua.

Các địa phương triển khai đánh giá lại toàn bộ để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu khắc nghiệt.

Đối với những điểm sạt lở từ miền biển, núi, đồng bằng, các địa phương phải tính toán lại tổng thể đề án quy hoạch, chiến lược phát triển có biện pháp căn cơ để đảm bảo không chỉ thích ứng mà phải chủ động thích ứng một cách bền vững bằng các nhóm giải pháp.

Sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển sẽ có đề xuất Chính phủ, Trung ương để có những chương trình tổng thể, dự án phù hợp đảm bảo được mục tiêu thích ứng với thiên tai một cách chủ động, biến nguy thành cơ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.