Tuy 13 doanh nghiệp bưu chính, viễn thông tại Hà Nội cùng ký vào biên bản thỏa thuận sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật, song vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để việc sử dụng chung hạ tầng viễn thông ở Thủ đô được thuận buồm, xuôi gió. Đầu xuôi Trong những năm qua, việc hợp tác, sử dụng chung hạ tầng của các doanh nghiệp viễn thông luôn là vấn đề được các cấp, ngành đau đầu tìm lời giải. Tại các thành phố lớn, những búi cáp viễn thông, được ví von như “rác trời” lơ lửng vây kín trên các cột điện, các nhà mạng mạnh ai nấy làm trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS) dẫn đến lãng phí nguồn lực, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của cư dân… Tại Hà Nội, vấn đề này luôn là bài toán đau đầu cho các cơ quan quản lý. Tuy mới chỉ giải quyết được phần nhỏ, song rõ ràng là Thủ đô đã có nhiều cố gắng trong việc huy động các doanh nghiệp dùng chung hạ tầng. Tại cuộc họp giao ban chỉ đạo xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Sĩ, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội) cho hay, trong giai đoạn 2009-2010, Hà Nội đã thực hiện các dự án hạ ngầm đường dây đi nổi, kết hợp với chỉnh trang đô thị được 32 tuyến phố. Trong giai đoạn 2010-2013, riêng quận Hoàn Kiếm đã tổ chức hạ ngầm 16 tuyến phố. Trong đó, có 3 tuyến đã thi công xong. Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội đang triển khai thi công các dự án hạ ngầm, chỉnh trang đô thị trên nhiều tuyến phố thuộc các quận Long Biên, Cầu Giấy. Quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông đến năm 2020 của Hà Nội vừa được công bố cũng đặt ra chỉ tiêu ngầm hóa (đường dây, cáp nổi) 80-90% ở khu vực nội thành và 50-60% ngoại thành. Về trạm BTS, hiện Hà Nội có trên 5.000 trạm BTS đang hoạt động (gồm cả 2G, 3G). Trong đó, có trên 1.000 trạm dùng chung cơ sở hạ tầng (cột anten, nhà trạm) giữa các doanh nghiệp viễn thông hoặc thuê của các công ty xây dựng hạ tầng dùng chung. Trong năm 2013, Trung tâm thông tin di động khu vực I, Chi nhánh Viettel Hà Nội và Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Vietnamobile) dự kiến phát triển 650 trạm, trong đó các doanh nghiệp cam kết sử dụng chung cơ sở hạ tầng khoảng 270 trạm.
Những "búi rác trời" treo lơ lửng trên cột điện là nỗi kinh hoàng của nhiều người. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Chưa có "văn hóa hợp tác" Tuy chưa nhiều, song những con số trên rõ ràng là tín hiệu khả quan trong việc chỉnh trang đô thị, tránh lãng phí nguồn lực của các doanh nghiệp. Đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho thấy vẫn còn khá nhiều tồn tại như quy định khuyến khích sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp không được thực thi hiệu quả do thiếu hướng dẫn cụ thể; thủ tục hành chính cấp phép xây dựng BTS chưa thuận lợi; đơn vị thi công hạ ngầm chưa tuân thủ các quy định kỹ thuật chuyên ngành dẫn đến tình trạng đầu cáp tại các tủ, hộp cáp lộn xộn… Cụ thể, đại diện của MobiFone cho rằng việc sử dụng chung hạ tầng viễn thông là cần thiết. Tuy nhiên, có một số quy định cần phải làm rõ như việc cột anten như thế nào là không cồng kềnh và được cấp phép. Hoặc, quy định việc cấp phép làm BTS phải xin ý kiến chính quyền địa phương, song cụ thể là cấp nào (tổ dân phố, phường xã hay quận huyện…). Bên cạnh đó, cho dù doanh nghiệp có giấy phép nhưng vẫn gặp phải những cản trở từ người dân trong việc xây dựng, lắp đặt và không có đơn vị nào hỗ trợ. Về việc đơn giá thuê cống, bể cáp ngầm hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể. Do đó, đại diện MobiFone đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông cần vào cuộc để đưa ra đơn giá phù hợp. Đồng tình, phía Công ty cổ phần hạ tầng viễn thông CMC cho hay việc chưa có đơn giá thuê nên các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn với các doanh nghiệp lớn xây dựng hạ tầng. Do đó, Hà Nội cần có chính sách hợp lý để bảo đảm việc kinh doanh của doanh nghiệp. Phía VNPT Hà Nội cũng cho biết hiện đơn giá chưa tính được, nhưng nếu được xã hội hóa, công việc này có thể thực hiện dễ dàng. Ngoài ra, trong quá trình sửa chữa cống bể gặp nhiều khó khăn do phải xin khá nhiều giấy phép từ Sở Kiến trúc, Sở Xây dựng và thậm chí cả của Sở Giao thông Vận tải. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội thì khẳng định đây là việc tồn đọng trong nhiều năm nay. Hơn nữa, các doanh nghiệp viễn thông chưa hình thành văn hóa hợp tác với nhau trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, cũng như lợi ích chung của xã hội. Sở này cũng cho hay, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp phép xây dựng BTS… [Chi 8.000 tỷ đồng cho bưu chính, viễn thông, Internet] Đặc biệt, trong buổi sáng nay (24/9), Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị ký Biên bản thỏa thuận sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật trên nguyên tắc tổ chức sở hữu có trách nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân có đường dây, cáp và đường ống bố trí vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung... Về trạm BTS, các doanh nghiệp viễn thông chủ động phối hợp với Bưu điện Hà Nội để sử dụng chung cơ sở hạ tầng ở các điểm bưu điện văn hóa xã, bưu cục các cấp. Biên bản này cũng khuyến nghị sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp thông tin di động theo tinh thần “một đổi một,” tránh lãng phí trong đầu tư... Bên cạnh sự vào cuộc quyết tâm của Hà Nội, nhiều người kỳ vọng vào chính trách nhiệm xã hội của 13 doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đã ký vào Biên bản thỏa thuận. Bởi có thế, việc dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật sẽ được thực hiện đồng bộ và triệt để, để Hà Nội sớm sạch “rác trời,” xứng đáng là Thủ đô hiện đại./. Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông):
Giá thuê công trình công cộng chính là bức xúc của nhiều doanh nghiệp. Thực tế, việc thuê công trình viễn thông dựa trên nguyên tắc đàm phán do mỗi khu vực sẽ có kinh phí xây dựng khác nhau. Nếu dựa trên đàm phán sẽ khá khó khăn nên Sở Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Sở Tài chính thương thảo, đàm phán để tìm ra phương án hiệu quả nhất trong sử dụng công trình viễn thông công cộng…
Quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là cho thuê dựa trên giá thành xây dựng là chủ yếu, để các doanh nghiệp cùng chia sẻ hạ tầng tốt nhất.
|