“Đồng bạc xanh" mạnh lên: Về lâu dài cần phải thận trọng

Theo các chuyên gia, USD tăng giá không tác động mạnh đến chính sách tỷ giá trong nước song ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cũng như những tác động đến một số lĩnh vực kinh tế.
“Đồng bạc xanh" mạnh lên: Về lâu dài cần phải thận trọng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đồng USD đang tăng giá kỷ lục so với euro kể từ 12 năm trở lại đây, theo các chuyên gia phân tích, mặc dù nó không tác động mạnh đến chính sách tỷ giá trong nước, song ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cũng như những tác động đến một số lĩnh vực kinh tế như sản xuất, xuất-nhập khẩu…


Hiệu ứng tâm lý

Ngày 16/3, thị trường tiền tệ thế giới chứng kiến đà lên giá mạnh mẽ của đồng USD, theo đó đồng euro được giao dịch chạm mức 1,0451 USD/euro, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2003.

Theo bà Lê Thị Thùy Vân (Viện chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chỉ mới triển khai chương trình mua trái phiếu từ tuần trước song tác động tâm lý đã phản ánh vào đồng euro rất sớm dựa theo các dự báo trước đó và khiến đồng tiền này giảm giá mạnh.

Ngày 9/3, ECB bắt đầu triển khai gói nới lỏng định lượng (QE) trị giá 1.100 tỷ euro (1.200 tỷ USD) nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tránh tình trạng giảm phát trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Theo đó, ECB sẽ mua lại trái phiếu trên thị trường thứ cấp trái phiếu (cả khu vực nhà nước và tư nhân) thông qua việc "bơm" 60 tỷ euro/tháng vào các nền kinh tế Eurozone cho tới ít nhất là tháng 9/2016.

“Đồng bạc xanh" mạnh lên: Về lâu dài cần phải thận trọng ảnh 2

Trên thị trường, tỷ giá đồng euro nhanh chóng trượt dốc từ mức 1,1361 USD/euro (ngày 25/2) xuống mức kỷ lục được xác lập ngày 16/3 là 1,0451 USD/euro, giảm tương ứng 8%. Bên cạnh đó, đồng USD cũng đang lên giá so với đồng TWD của Đài Loan, đồng baht Thái Lan, đồng won Hàn Quốc, đồng peso Philippines, đồng SGD của Singapore, đồng rupiah Indonesia và đồng rupee Ấn Độ…

Tại Việt Nam, tuần qua thị trường ngoại tệ chứng kiến đợt tăng giá của USD đối với VND.  Tỷ giá tại Vietcombank, USD mua vào là 21.460 đồng/USD và bán ra 21.520 đồng/USD (16/3). Tham khảo từ thị trường tự do, trong cùng ngày giá mua vào và bán ra ở mức 21.720 đồng/USD -21.760 đồng/USD.

Sang đến ngày 17/3, tỷ giá đồng euro đã nhích nhẹ lên mức ở mức 1,0610 USD/euro, theo đó tỷ giá mua vào-bán ra niêm yết tại Vietcombank cũng đã nâng lên mức 21.440 đồng/USD -21.500 đồng/USD.

Theo đánh giá chung từ các chuyên gia trong nước, tỷ giá tăng mạnh trong các phiên qua là phản ứng tâm lý của thị trường khi đồng USD mạnh lên chứ không xuất phát từ nhu cầu thanh toán thực.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng đã đưa ra dự báo về khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nâng lãi suất, do đó đã xuất hiện tâm lý kỳ vọng đồng USD lần đầu tiên sẽ ngang giá với đồng euro, kể từ năm 2002 đến nay.

“Đồng bạc xanh" mạnh lên: Về lâu dài cần phải thận trọng ảnh 3Tham khảo từ thị trường tự do ngày 16/3, giá mua vào và bán ra ở mức 21.720 đồng-21.760 đồng/USD (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giải pháp là thích ứng

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga và một số nước Đông Âu cho biết, việc đồng rup của Nga mất giá so với đồng USD từ mức 30 rup/USD lên 55-60 rup/USD khiến doanh nghiệp đã gặp khó khăn tại thị trường này.

“Tỷ giá trong nước không mấy biến động, nên khi chuyển đổi giá trị đơn hàng sang USD thì doanh nghiệp đã thiệt hại nhiều. Trước đây cùng một sản phẩm xuất khẩu sang Nga, doanh nghiệp thu về 30 cent thì nay chỉ còn khoảng 15 cent. Công ty không thể tăng giá bán trong khi lực cầu phía Nga cũng đang yếu, do đó năm nay các đơn hàng cho thị trường này hiện đang bị dừng lại,” vị giám đốc trên cho hay.

Song, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, biến động tỷ giá chỉ là một trong yếu tố tác động đến hoạt động xuất-nhập khẩu và vấn đề quyết định vẫn là khả năng cạnh tranh của chính doanh nghiệp.

“Mặc dù chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn hơi cứng, song đó chỉ là một yếu tố. Theo tôi, doanh nghiệp phải tự ‘cứu mình’ bằng các biện pháp thích hợp để phòng tránh rủi ro về tỷ giá,” ông Dũng nói.

Cụ thể, ông Dũng chia sẻ, doanh nghiệp ký hợp đồng thương mại nên chủ động lựa chọn đồng tiền thanh toán đồng thời thương lượng tỷ giá ở thời điểm thực hiện hợp đồng. Bốn phương thức giao dịch hối đoái, như giao dịch giao ngay (spot) là phương thức phổ biến song lại chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biến động tỷ giá, bên cạnh đó là các phương pháp giao dịch có kỳ hạn (foword), giao dịch hoán đổi (swap), giao dịch quyền chọn (option) là công cụ phòng chống rủi ro tỷ giá tốt hơn đồng thời giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong quá trình thực hiện giao dịch.

“Bên cạnh đó, doanh nghiệp không nên tiếc phí mà bỏ qua bảo hiểm tỷ giá. Bởi phí không đáng là bao so với mất mát của doanh nghiệp khi tỷ giá biến động, mà điều này là rất khó phán đoán và kiểm soát,” ông Dũng nhấn mạnh.

Nhìn chung các chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng, biến động về tỷ giá chưa đáng lo ngại, theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước biên độ điều chỉnh tỷ giá năm nay là 2% và đã thực hiện điều chỉnh 1% thời điểm tháng Một, như vậy dư địa từ nay đến cuối năm là 1%.

Tiến sĩ Bùi Ngọc Sơn (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) cảnh báo, “việc đồng bạc xanh tăng giá về lâu dài cần phải thận trọng. USD mạnh lên đồng nghĩa VND cũng mạnh lên, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ cạnh tranh về giá khó hơn với các sản phẩm cùng chủng loại đến từ các nước khác. Chính sách tỷ giá neo vào USD tạo được sự ổn định trong nền kinh tế, tuy nhiên về đường dài sẽ không khuyến khích được đầu tư phát triển công nghệ, do đó nền sản xuất sẽ tiếp tục duy trì trong các lĩnh vực nông nghiệp thuần túy, khai khoáng và gia công.”

Đồng tình, ông Dũng cũng đề xuất, “trong thời gian tới nếu USD tiếp tục mạnh lên thì Ngân hàng Nhà nước cũng cần có chính sách tỷ giá linh hoạt, sát với thị trường hơn.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.