Đồng bằng sông Cửu Long hiện đại hóa công nghệ sau thu hoạch

Từ nay đến năm 2020, các tỉnh trang bị thêm từ 20.000-25.000 máy gặt đập liên hợp và máy sấy lúa, bảo đảm cơ giới hóa các khâu gặt, sấy cho ít nhất 80% diện tích đất lúa.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện đại hóa công nghệ sau thu hoạch ảnh 1Thu hoạch lúa hè thu bằng phương tiện cơ giới ở xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai nhiều dự án dự án nâng cao chất lượng lúa gạo, trước hết là hiện đại hóa công nghệ sau thu hoạch.

Từ nay đến năm 2020, các tỉnh trang bị thêm từ 20.000-25.000 máy gặt đập liên hợp và máy sấy lúa, bảo đảm cơ giới hóa các khâu gặt, sấy cho ít nhất 80% diện tích đất lúa.

Năm 2015, các tỉnh bảo đảm thu hoạch lúa bằng máy đạt ít nhất 50% diện tích đất; đến năm 2017, xây dựng thêm 70 hệ thống sấy hiện đại, công suất từ 10-30 tấn lúa/giờ, gắn với các trung tâm chế biến gạo xuất khẩu, bảo đảm sấy 4 triệu tấn lúa/năm. Cộng với số máy sấy trong dân, sẽ bảo đảm sấy 80% lượng lúa Hè Thu, Thu Đông hàng năm.

Bên cạnh đó, sức chứa của hệ thống kho lương thực tại khu vực cũng đang được nâng lên gần 4 triệu tấn, gấp 3 lần sức chứa hiện nay.

Khi hoàn thành vào cuối năm 2015, hệ thống kho hoạt động theo cơ chế cơ giới hóa và tự động hóa nhằm nâng cao năng suất lao động và kiểm soát các thông số kỹ thuật trong quá trình bảo quản. Trong đó, mức độ cơ giới hóa đạt 80%, 20% được tự động hóa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay, việc cơ giới hóa thu hoạch lúa ở khu vực đáp ứng khoảng 800.000ha trong vụ Đông Xuân, tuy tăng gấp ba lần năm 2007 nhưng chỉ đáp ứng được 51% nhu cầu cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa Đông Xuân tại khu vực.

Trong vụ lúa Hè Thu, Thu Đông hàng năm, do thu hoạch trong mùa mưa, mặt ruộng thường bị sình lầy, tầm hoạt động của máy bị hạn chế nên diện tích thu hoạch lúa bằng máy đạt tỷ lệ thấp hơn vụ Đông Xuân nhiều.

Trong nhiều năm qua, mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 2 vụ lúa Hè Thu và Thu Đông từ 2,2-2,3 triệu ha với tổng sản lượng thu hoạch từ 12-14 triệu tấn/năm. Lượng lúa hao hụt sau thu hoạch 2 vụ này nhiều hơn vụ Đông Xuân (vì thu hoạch trong mùa mưa) với mức từ 10-12% do thiếu máy sấy.

Do đó, việc nâng cấp, xây mới hệ thống kho nêu trên nhằm bảo đảm dự trữ và lưu thông 10 triệu tấn lúa tại khu vực trong vòng 6 tháng, bảo đảm thu mua hết lúa cho dân, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất của người trồng lúa và nhà chế biến, xuất khẩu.

Các dự án trên sẽ giúp Đồng bằng sông Cửu Long giảm chi phí sản xuất lúa 30.000 đồng/tấn, giúp tăng thu từ lúa trên 500 tỷ đồng mỗi năm. Giá trị tăng thêm của lượng lúa Hè Thu và Thu Đông (do không còn bị hao hụt) khoảng 6.000 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.