Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong tháng 1/2015, các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo việc làm cho 34.000 lao động, tăng 5,7% cùng kỳ năm ngoái; trong đó có 68% làm việc thời vụ tại các cơ sở công thương nghiệp-dịch vụ đã hoạt động rất mạnh trong thời điểm Tết Dương lịch 2015 và trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết từ nay đến cuối năm, các tỉnh trong vùng phấn đấu tạo việc làm cho thêm 376.000 lao động, nâng tổng số lao động được tạo việc làm trong năm 2015 là 410.000 người, tăng 5,6% so năm ngoái.
Để hoàn thành kế hoạch đề ra, các tỉnh triển khai thực hiện tái cơ cấu kinh tế công thương nghiệp, nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gắn với công tác giải quyết việc làm cho người lao động.
Các tỉnh phấn đấu nâng giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại trong năm 2015 đạt 1.308.950 tỷ đồng, tăng 9,4% so năm 2014, tạo cơ sở vững chắc để giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trong năm 2015.
Cùng với đó, các tỉnh tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế thành lập thêm 14.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, thương nghiệp và mở rộng nhiều khu công nghiệp, có khả năng thu hút thêm 205.000 lao động vào làm việc; thực hiện trên 11.000 dự án nhỏ giải quyết việc làm cho trên 100.000 lao động; đưa 800.000ha mặt nước vào nuôi trồng thủy sản cùng 4,5 triệu ha đất vào sản xuất lúa, cây ăn quả tạo điều kiện thuận lợi để tạo việc làm cho 105.000 lao động nông thôn. Đồng thời, các tỉnh mở rộng các cơ sở y tế, giáo dục, nhiều cơ sở xã hội khác nhằm tạo việc làm cho 5.000 lao động.
Bên cạnh đó, các tỉnh mở rộng quy mô phổ cập nghề và dạy nghề theo các hướng: dạy nghề cho lao động trẻ mới gia nhập lực lượng lao động; dạy nghề cho đối tượng chuyển đổi nghề do những tác động của việc thay đổi cơ cấu kinh tế và cải cách doanh nghiệp; dạy nghề nâng cao để người lao động theo kịp với sự đổi mới của khoa học, công nghệ; liên kết với các doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Cụ thể, các tỉnh đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị thêm máy móc thiết bị dạy nghề cho 369 cơ sở dạy nghề, trong đó có 1 trường đại học, 13 trường cao đẳng, 37 trường trung cấp, 129 trung tâm dạy nghề; tạo điều kiện thành lập mới nhiều cơ sở tư nhân dạy nghề nhằm nâng số cơ sở tư nhân tham gia dạy nghề lên 189 cơ sở.
Các cơ sở trên chú trọng dạy các nghề mới, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp như chế biến nông sản, thực phẩm, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, thú y, đường mía, điện cơ, điện lạnh, điện tử, cấp thoát nước nông thôn, bảo vệ thực vật, lắp ráp và sửa chữa xe máy, sửa chữa ôtô.
Các tỉnh lồng ghép việc đào tạo nghề cho trên 105.000 động nông thôn thông qua các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ môi giới, tư vấn, giới thiệu việc làm, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, khôi phục hàng chục làng nghề và phát triển dịch vụ nông nghiệp ở nông thôn góp phần giúp tăng số lượng lao động được tạo việc làm.
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dạy nghề, các tỉnh huy động đội ngũ kỹ sư, công nhân giỏi nghề thuộc các doanh nghiệp, làng nghề... tham gia dạy nghề cho người lao động tại chỗ; đồng thời nâng cao quy mô dạy nghề với nhiều hình thức phù hợp với đặc điểm và điều kiện kinh tế, sinh sống của từng nhóm đối tượng ở vùng nông thôn; chú ý dạy nghề lưu động, liên kết giữa các doanh nghiệp với làng nghề nhằm đào tạo đúng nhu cầu của doanh nghiệp.
Nhằm khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia dạy nghề, các tỉnh giảm thuế đối với những khoản chi của doanh nghiệp liên quan đến dạy nghề.
Nếu doanh nghiệp dạy nghề cho đối tượng chính sách sẽ được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/tháng (đối với mỗi người học nghề tại doanh nghiệp và tiền hỗ trợ không quá 3 tháng). Đối tượng chính sách học nghề được hỗ trợ từ 150.000-200.000 đồng/tháng/người (không quá 3 tháng).
Năm 2014, nhờ thực hiện tốt các biện pháp đòn bẩy, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã giải quyết việc làm cho trên 387.000 lao động, vượt kế hoạch 4,3%, tăng 14,7% so với năm 2013./.