Đồng bộ giải pháp phòng, chống ngập lụt đô thị tại Việt Nam

Theo các chuyên gia, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai, nhất là tiêu chuẩn tiêu thoát nước ở các đô thị, phòng, chống ngập lụt.
Đồng bộ giải pháp phòng, chống ngập lụt đô thị tại Việt Nam ảnh 1Một đoạn đường Võ Văn Kiệt, phường 5, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang bị ngập gây khó khăn cho việc đi lại. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu. Cùng với quá trình đô thị hóa thì vấn đề ngập lụt đô thị đang diễn biến phức tạp, gây trở ngại cho sự phát triển của các đô thị ở Việt Nam.

Thiên tai cực đoan

Tính đến tháng 12/2021, cả nước có hơn 800 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các đô thị lớn là nơi thường chịu tác động của các loại hình thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, dông lốc, nắng nóng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Mưa lớn, ngập lụt là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn cho các đô thị, nhất là các khu vực đô thị lớn, tập trung đông dân cư và các hoạt động kinh tế, xã hội như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh (Nghệ An).

Trận mưa lịch sử tại Thủ đô Hà Nội (từ 30/10 đến 3/11/2008) có lượng mưa rất lớn 400-600mm, một số trạm đo được lượng mưa lớn nhất trong lịch sử quan trắc như Thanh Oai 988mm, Hà Đông 830mm, Láng 597mm.

Mưa lớn đã gây lũ trên báo động 1 ở sông Hồng tại Hà Nội và ngập lụt nghiêm trọng khu vực nội thành, làm 22 người chết, 21 nhà bị sập, trôi, 34.868 nhà bị ngập, hư hại. Tổng thiệt hại vật chất ước tính trên 3.000 tỷ đồng.

[Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Từ ngập lụt nhìn về công tác dự báo, quy hoạch]

Tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, trận mưa lịch sử với tổng lượng 700 mm/24 giờ ngày 16/10/2019 đã làm 5.000 hộ dân bị ngập. Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh đã phải huy động 800 người để hỗ trợ sơ tán khoảng 700 hộ dân tại các phường Trung Đô, Bến Thủy.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, từ ngày 14-15/10/2022, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã xảy ra mưa rất lớn từ 500-700 mm. Mưa lớn kết hợp triều cường đã gây ngập lụt nghiêm trọng trên địa bàn thành phố, có nơi ngập tới 1,5-2m.

Tính đến 14 giờ ngày 18/10, mưa lớn đã làm 4 người chết, 52/56 xã, phường thuộc 7 quận, huyện với 70.000 nhà, 14 điểm trường bị ngập, trên 2000 xe ôtô và trên 30.000 xe máy bị ngập nước và nhiều tài sản khác của người dân bị hư hại…; ước thiệt hại tới gần 1.500 tỷ đồng.

Tại phiên chất vấn chiều 3/11/2022, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) đã nêu thực trạng ngập úng đô thị xảy ra ở khắp nơi như Lào Cai, Đà Lạt, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ hay Hà Nội, các đô thị lớn ở Việt Nam cứ mưa là ngập.

Đây là vấn đề được cử tri nhiều địa phương quan tâm và cần có biện pháp căn cơ, từ nhiều cơ quan, ban, ngành liên quan mới có thể giải quyết triệt để.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đô thị Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị lớn có rất nhiều hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở hạ tầng, nhiều khu dân cư tập trung, sẽ là nơi chịu nhiều rủi ro thiên tai, trong đó có vấn đề ngập lụt đô thị, cần có biện pháp chủ động phòng ngừa và ứng phó kịp thời.

Tiến sỹ Seneka, Giám đốc Ban ứng phó khí hậu - Dự án tăng cường khả năng chống chịu khí hậu cực đoan cho khu vực đô thị ở Đông Nam Á (URCE), Trung tâm phòng, chống thiên tai châu Á cho biết năm 2015, dân số thành thị trên thế giới đông hơn dân số nông thôn (chiếm 54%), dân số nông thôn là 46%.

Đến năm 2030, ít nhất có 61% dân số toàn cầu sẽ sống ở các thành phố và hơn 2 tỷ người trên thế giới sẽ sống ở các khu ổ chuột. Do vậy, xây dựng khả năng chống chịu của đô thị thông qua cảnh báo sớm và phản ứng nhanh là vấn đề rất quan trọng.

Khả năng chống chịu của đô thị là khả năng của các cá nhân, cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp và hệ thống trong thành phố để tồn tại, thích ứng và phát triển.

Thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, trong đó mưa với cường suất rất lớn, tập trung trong thời gian ngắn (từ 3-6 giờ) như tại Hà Nội, Đà Nẵng, Vinh... Triều cường có xu hướng năm sau cao hơn năm trước, gây ngập lụt nghiêm trọng cho các đô thị.

Quy mô dân số tại các đô thị ngày càng gia tăng, phát triển đô thị chưa tính toán đầy đủ các yếu tố làm gia tăng rủi ro thiên tai như thiếu không gian thoát lũ, trữ lũ (các hồ, ao tự nhiên), hệ thống thoát nước không đáp ứng yêu cầu,...

Các hệ thống tiêu thoát (cống tiêu, kênh tiêu…), nhất là ở nội thành đã cũ lại hư hỏng, không hoặc chưa được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, cho nên khi có mưa (dù là mưa vừa) cũng đã gây nên ngập úng nhiều khu vực.

Cùng với đó, các đô thị lớn ven biển chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và triều cường với tần suất gia tăng. Phương án ứng phó thiên tai cho đô thị (nơi tập trung đông dân cư, cơ sở hạ tầng....) chưa được quan tâm đúng mức, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý rủi ro thiên tai các đô thị còn hạn chế, hướng dẫn quản lý đô thị an toàn chưa được triển khai đồng bộ, đặc biệt là những vấn đề về nhà ở, hệ thống thoát nước, cây xanh.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Năm 2022, nhiều địa phương đã có những giải pháp để phòng, chống ngập lụt đô thị. Các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã và đang triển khai dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị tăng khả năng chống chịu, phục hồi trước khí hậu” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ không hoàn lại.

Đồng bộ giải pháp phòng, chống ngập lụt đô thị tại Việt Nam ảnh 2Cảnh mưa ngập trên đường phố Hà Nội. (Nguồn: Vietnam+)

Dự án được thực hiện tại 5 đô thị trong vùng trước tác động của thiên tai, gồm: Thị trấn Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình), thị trấn Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa), thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An), thị trấn Hương Khê và Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh).

Dự án này giúp các khu vực đô thị trên tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi trước hệ quả của thiên tai và trước tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống ngập úng đô thị trong thời gian tới, cần thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về Phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021, trong đó quy định một số nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn thiên tai khu vực đô thị.

Giải pháp chung đối với khu vực đô thị là cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế-kỹ thuật, các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai, nhất là tiêu chuẩn tiêu thoát nước ở các đô thị, phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đối với cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, cũng như nhà ở của người dân.

Đối với giải pháp nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai, cần đầu tư, củng cố, bổ sung, nâng cấp hệ thống trữ nước, tiêu thoát nước, phòng, chống ngập úng do mưa lớn, lũ, triều cường, nhất là đối với các đô thị lớn, trong đó yêu cầu tập trung phòng, chống ngập úng do mưa lớn và triều cường.

Quản lý đô thị an toàn trước thiên tai, cần kiểm soát quy hoạch, xây dựng để hạn chế bị tác động của thiên tai làm gia tăng rủi ro; xác định tiêu chuẩn tiêu thoát nước phòng, chống ngập úng phù hợp với tác động của biến đổi khí hậu, chủ động phân vùng tiêu, chú trọng dành không gian cho thoát lũ; bố trí các hồ điều hòa để trữ nước tạm thời, chống ngập úng khi mưa lớn và nâng cao năng lực hệ thống tiêu thoát nước.

Cùng với đó, cần ngăn chặn và xử lý công trình, nhà ở, đổ chất thải lấn chiếm không gian thoát nước, đồng thời tăng cường nạo vét hệ thống tiêu, thoát nước; kiểm tra, kiểm soát các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, công trình công cộng.

Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai theo quy hoạch, nhất là hệ thống đê ngăn lũ, ngăn mặn, hệ thống cống, trạm bơm, hồ điều hòa, các trục tiêu và kênh dẫn nước chống ngập úng; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát an toàn thiên tai, nhất là ngập úng.

Đề cập đến các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các đô thị của Việt Nam, bà Hoàng Thị Thảo, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng cần điều tra khảo sát, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu, đề xuất giải pháp, hình thành bản đồ đô thị-khí hậu cho đô thị; tích hợp biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cảnh báo rủi ro tại các đô thị.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị trong bối cảnh gia tăng nguy cơ rủi ro từ biến đổi khí hậu; thực hiện các giải pháp công trình nhằm hạn chế, kiểm soát các ảnh hưởng tiêu cực của rủi ro khí hậu tới hệ thống đô thị, có giải pháp định cư, di dân phù hợp.

Đồng thời, truyền thông nâng cao năng lực của các cấp quản lý và cộng đồng dân cư về quản lý, phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu; nghiên cứu khoa học-công nghệ, phát triển đô thị xanh, thông minh, sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục