Đóng cửa Làng Hòa Bình đầu tiên: Mong chờ một mái ấm mới

Ban Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ đã quyết định sẽ dừng hoạt động Làng Hòa Bình, mái ấm của các em nhỏ khuyết tật, trong đó có nhiều em là nạn nhân thế hệ thứ 2, thứ 3 của chất độc hóa học dioxin.
Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ sẽ đóng cửa trong thời gian tới. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ sẽ đóng cửa trong thời gian tới. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Làng Cam được xác định sẽ là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc và điều trị cho những nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật.

Dự án này mãi chẳng thể khởi công, vì vậy những đứa trẻ đang được nuôi dưỡng tại Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) chưa biết đi về đâu khi Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh quyết định sẽ “đóng cửa” mái ấm này.

Làng Hòa Bình đầu tiên sắp bị khai tử

Bác sỹ Lê Thị Hiền Nhi, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Từ Dũ - đơn vị quản lý trực tiếp Làng Hòa Bình cho biết, Ban Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ đã quyết định sẽ dừng hoạt động Làng Hòa Bình.

Điều này có nghĩa, Bệnh viện sẽ không tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng toàn bộ 35 trẻ em hiện có của Làng Hòa Bình. Làng Hòa Bình - mái ấm của các em nhỏ khuyết tật, trong đó có nhiều em là nạn nhân thế hệ thứ 2, thứ 3 của chất độc hóa học dioxin tồn tại gần 30 năm qua sẽ bị xóa bỏ.

Theo kế hoạch của Bệnh viện Từ Dũ, toàn bộ 35 em nhỏ sẽ được giao cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. “Chúng tôi đã làm việc với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để đơn vị này nhận trẻ về chăm sóc.Hiện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đang quản lý nhiều trung tâm nuôi dạy, chăm sóc trẻ em khuyết tật nên chắc chắn trẻ em của Làng Hòa Bình khi chuyển về sẽ được chăm sóc chu đáo,” bác sỹ Hiền Nhi cho biết.

Nói về nguyên nhân đóng cửa Làng Hòa Bình, bác sỹ Hiền Nhi cho hay, các em bé ở Làng Hòa Bình ngày càng lớn và các con cần một môi trường chuyên nghiệp hơn, đầy đủ hơn để phát triển. Đặc biệt, trẻ cần có một môi trường sống có thể hòa nhập với cộng đồng, xã hội để phát triển toàn diện hơn.

[Dang dở giấc mơ Làng Cam: ''Trùm mền'' sau 4 năm khởi công]

Bao nhiêu năm qua, Làng Hòa Bình chỉ mới dừng lại ở việc chăm sóc cho trẻ về y tế, còn học văn hóa, dạy nghề phải gửi trẻ ra bên ngoài để đi học rất vất vả và phức tạp. Việc được sinh sống trong các trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật có đầy đủ bộ phận y tế chăm sóc sức khỏe, bộ phận giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp thì sẽ tốt hơn cho tương lai của trẻ.

“Đây là môi trường bệnh viện, không phù hợp cho sự phát triển của bất kỳ một đứa trẻ bình thường nào, chứ chưa nói đến trẻ khuyết tật và chúng tôi chỉ muốn làm những gì tốt nhất cho trẻ,” bác sỹ Hiền Nhi khẳng định.

Làng Hòa Bình - Bệnh viện Từ Dũ được thành lập từ năm 1990 với sự hỗ trợ của Tổ chức phi chính phủ Làng Hòa Bình thế giới - Cộng hòa dân chủ Đức.

Đây là Làng Hòa Bình đầu tiên trong tổng số 13 Làng Hòa Bình trên cả nước nhận nuôi dưỡng, chăm sóc cho trẻ em khuyết tật là nạn nhân chất độc da cam và bị bỏ rơi.

Từ khi thành lập đến nay, Làng Hòa Bình đã chăm sóc, nuôi dưỡng cho hơn 400 trẻ. Đặc biệt, nơi đây được biết đến là đơn vị có công chăm sóc, nuôi dưỡng cho cặp song sinh dính liền nhau Việt-Đức trước và sau khi phẫu thuật tách rời.

Nhờ sự cưu mang, chăm sóc của các y bác sỹ Làng Hòa Bình, nhiều trẻ khuyết tật đã học đến đại học và có việc làm ổn định, có thể tự nuôi sống mình.

Hiện Làng Hòa Bình đang nuôi dưỡng 35 trẻ, trong đó chiếm 2/3 là trẻ bại não. Một số trẻ có khả năng vận động đã được gửi đi học ở một số cơ sở giáo dục, dạy nghề ở bên ngoài. Em bé nhỏ tuổi nhất được nuôi dưỡng tại đây mới 3 tuổi, còn người lớn nhất cũng đã 38 tuổi.

Để chuẩn bị cho việc đóng cửa Làng Hòa Bình, từ 3 năm nay, Bệnh viện Từ Dũ không tiếp nhận thêm các trẻ em khuyết tật bị bỏ rơi. Sau khi không nuôi dưỡng các em nhỏ khuyết tật, Làng Hòa Bình sẽ trở thành khu vực dành riêng để điều trị phục hồi chức năng cho trẻ em.

Đóng cửa Làng Hòa Bình đầu tiên: Mong chờ một mái ấm mới ảnh 1Chăm sóc trẻ nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Mong chờ một mái ấm

Trở thành thành viên của Làng Hòa Bình từ 10 năm nay, với Phạm Thị Thu Thủy - cô bé 21 tuổi bị teo hoàn toàn cả 2 chân, đây chính là ngôi nhà ấm áp của mình.

Từ ngày sống tại Làng Hòa Bình, Thủy như được sinh ra lần nữa bởi em luôn nhận được tình yêu thương của các cô, các bác, các anh chị là bác sỹ, điều dưỡng. Đặc biệt là tình thương, sự đồng cảm của những đứa trẻ cùng cảnh ngộ khác.

Cũng như nhiều đứa trẻ ở Làng Hòa Bình, Thủy được tạo điều kiện đi học và hiện em đang là sinh viên Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nên, thông tin Làng Hòa Bình sẽ đóng cửa khiến Thủy hụt hẫng vô cùng.

Ước mơ được trở lại Làng, dạy học cho các em của Thủy càng trở nên xa vời hơn bao giờ hết. “Không biết chúng em còn được ở với nhau bao lâu nữa, chúng em lớn lên cùng nhau, coi nhau như người thân dù không ruột rà, máu mủ, xin đừng chia cách chúng em,” Thủy khẩn thiết.

Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - người sáng lập Làng Hòa Bình chia sẻ, Làng Hòa Bình không đơn thuần là nơi nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật mà từ lâu đã trở thành gia đình của các em.

Những đứa trẻ khuyết tật, là nạn nhân thế hệ thứ 2 thứ 3 của chất độc da cam/dioxin cần một nơi để nương tựa.

Với tâm huyết của mình, bao nhiêu năm qua, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giáo sư Tạ Thị Chung cùng biết bao thế hệ cán bộ, nhân viên Làng Hòa Bình đã cố công vun đắp cho mái ấm này ngày một thêm đủ đầy, ấm áp như một gia đình.

Vì thế với việc đóng cửa Làng Hòa Bình, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng lo ngại, những đứa trẻ của Làng sẽ phải “tứ tán” khắp nơi. Và những đứa trẻ vốn coi nhau như người thân ruột thịt sẽ phải chia lìa nhau. Điều này sẽ để lại sự hụt hẫng, khoảng trống tâm lý rất lớn cho những đứa trẻ sinh ra vốn đã bất hạnh.

"Tâm nguyện của các con là được ở với nhau bởi các con coi nhau như ruột thịt - đây là câu nói mà tôi được nghe nhiều nhất khi trở về Làng Hòa Bình. Phải chi Làng Cam được xây dựng đúng tiến độ, có lẽ các con đã chẳng phải chịu cảnh “tan đàn xẻ nghé” như thế này,” Giáo sư Ngọc Phượng ngậm ngùi.

Làng Hòa Bình đóng cửa, tương lai của những đứa trẻ này sẽ đi về đâu? Câu trả lời ngay cả người dành nhiều tâm huyết với trẻ như Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng cũng chưa thể trả lời. Nhưng bà và những người cùng chung chí hướng vẫn đang âm thầm nỗ lực từng ngày để vận động, quyên góp xây dựng Làng Cam.

 “Chúng tôi đang nỗ lực tìm mọi cách để xây dựng Làng Cam sớm nhất, để sớm có được mái ấm đúng nghĩa cho các con - những đứa trẻ Làng Hòa Bình và cả nhiều nạn nhân da cam/dioxin khác,” Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết.

Liên hệ với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên TTXVN được ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở cho biết, về cơ bản, Sở sẽ tiếp nhận các cháu nhỏ từ Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ khi cơ sở này không còn hoạt động.

Tuy nhiên, do Làng Hòa Bình trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nên Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Sở Y tế chắc chắn sẽ có những buổi làm việc cụ thể để thống nhất về quy trình và thời gian tiếp nhận và đưa các cháu đến sinh sống ở đơn vị mới.

“Sau khi tiếp nhận, chúng tôi sẽ có những đánh giá về vấn đề sức khỏe, tình trạng tật nguyền của các cháu để từ đó có giải pháp đưa các cháu về nơi ở mới phù hợp,” ông Trần Ngọc Sơn cho hay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục