Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại rằng số người thiệt mạng trong thảm họa động đất xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Phát biểu với báo giới ngày 6/2, bà Catherine Smallwood - quan chức cấp cao về các tình huống khẩn cấp của Văn phòng WHO tại khu vực châu Âu - cho biết: “Có khả năng sẽ còn tiếp tục xảy ra những vụ sập nhà tiếp theo (do ảnh hưởng của trận động đất), do đó, chúng tôi thường ước tính con số thiệt hại có thể tăng gấp 8 lần so với con số ban đầu. Thật không may, chúng tôi luôn thấy sự dự tính đó đúng với các trận động đất. Các báo cáo ban đầu về số người thiệt mạng hoặc bị thương sẽ tăng khá đáng kể trong tuần tiếp theo."
Trước đó, WHO dự đoán sơ bộ số người thiệt mạng trong cơn địa chấn kinh hoàng này tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là hơn 2.600 người.
[Các nước hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria]
Trận động đất độ lớn 7,8 xảy ra lúc 4 giờ 17 sáng 6/2 (giờ địa phương), với chấn tiêu ở độ sâu khoảng 18km gần thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria khoảng 60km.
Con số thiệt hại về người và tài sản đã tăng lên nhanh chóng, trong bối cảnh lực lượng cứu hộ đang nỗ lực hết sức để xác định vị trí của những người sống sót bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của hàng nghìn tòa nhà bị sập.
Theo số liệu cập nhật tính tới 10 giờ sáng 7/2 (giờ Việt Nam) do hãng tin AFP công bố, số người thiệt mạng do động đất tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria đã lên tới hơn 4.300 người, trong khi gần 14.500 người bị thương và 5.600 ngôi nhà bị phá hủy.
Giá lạnh và những cơn bão tuyết khắc nghiệt của mùa Đông đã khiến công tác cứu hộ trở nên khó khăn gấp bội. Ngay cả những người may mắn sống sót sau thảm họa cũng đối diện với nguy hiểm do không còn nơi trú ẩn.
Bà Smallwood nêu rõ: "Có những nơi trú tạm tập thể được thiết lập cho những người đã bị mất nhà ở sau trận động đất. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn những nguy cơ, nếu như điều kiện sống không tốt, không có hệ thống sưởi và tập trung quá đông người."
Theo bà Smallwood, những yếu tố này có thể khiến các bệnh về đường hô hấp dễ dàng phát sinh và lây lan.
Nhà địa chấn học Tine Larsen thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland, trận động đất ngày 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã gây ra rung chấn lan tới Greenland và kéo dài trong vài phút.
Nhiều dư chấn cũng đã xảy ra tại khu vực này trong ngày 6/2.
Trong sáng 7/2 (giờ Việt Nam), miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã rung chuyển trong một trận động đất có độ lớn 5,6.
Trung tâm Địa chấn Địa Trung Hải châu Âu (EMSC) cho biết tâm chấn trận động đất này ở độ sâu 2km./.