Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, sáng 31/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.
Chú trọng giáo dục thể chất và thể thao nhà trường
Trước phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Báo cáo, một số ý kiến đánh giá dự thảo Luật chưa chú trọng đến lĩnh vực thể dục, thể thao quần chúng, chưa có chính sách khuyến khích đầu tư, xây dựng, khai thác các công trình thể dục, thể thao phục vụ hoạt động thể dục, thể thao quần chúng, đặc biệt là phục vụ trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi. Một số ý kiến đề nghị rà soát lại quy định ưu đãi về tín dụng, đất đai tại Điều 11 để bảo đảm thống nhất với quy định pháp luật có liên quan.
[Luật hóa để quản lý giám sát chặt chẽ các hoạt động đặt cược thể thao]
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác các công trình thể thao phục vụ hoạt động thể thao quần chúng; đồng thời bổ sung quy định trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được miễn, giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ luyện tập thể dục, thể thao tại các cơ sở thể thao công lập vào khoản 6, 7 Điều 11 dự thảo Luật, sau khi tiến hành rà soát các quy định pháp luật có liên quan.
Đối với nội dung giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, một số ý kiến cho rằng để khắc phục tình trạng đuối nước của trẻ em hiện nay, dự thảo cần bổ sung quy định bơi là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa; đồng thời đề nghị tăng tiết học môn giáo dục thể chất. Tuy nhiên, một số đại biểu khác lại cho rằng không nên quy định bơi là môn học bắt buộc, việc tăng hay giảm số tiết học môn giáo dục thể chất cần được nghiên cứu một cách tổng thể, có tính đến khả năng đáp ứng của điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo theo chương trình giáo dục, môn giáo dục thể chất là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa của mọi cấp học (giáo dục phổ thông, cao đẳng, đại học). Việc tăng hoặc giảm thời lượng môn giáo dục thể chất cần được xem xét trong tổng thể việc điều chỉnh chương trình giáo dục của các cấp học, bảo đảm sự phát triển toàn diện của học sinh, sinh viên và tính khả thi trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở phần lớn các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được việc tổ chức dạy bơi. Hầu hết các trường chưa có bể bơi (chỉ có 0,4-0,6% số trường phổ thông và 13% số trường đại học có bể bơi). Nếu quy định bơi là môn học bắt buộc sẽ tạo áp lực đối với nhà trường, phụ huynh và bản thân học sinh, sinh viên, buộc các trường phải thực hiện trong điều kiện chưa sẵn sàng sẽ dẫn đến hiện tượng làm theo hình thức, không hiệu quả.
Hiện nay, để khắc phục tình trạng đuối nước của trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05/2/2016 phê duyệt chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông.
Về đất đai dành cho thể dục, thể thao, một số ý kiến đề nghị bổ sung khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế, cũng như góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao trong công nhân.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng không nên bổ sung quy định này vì khu công nghiệp, khu công nghệ cao là nơi tập trung cho sản xuất nên quỹ đất chủ yếu được ưu tiên bố trí phục vụ mục đích sản xuất. Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 65 Luật Thể dục, thể thao hiện hành đã có quy định trong quy hoạch xây dựng trường học, đô thị, khu dân cư, doanh trại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao.
Bổ sung khu công nghiệp, khu công nghệ cao vào dự thảo Luật sẽ dẫn đến việc công trình thể thao vừa phải được bố trí ở khu dân cư (nơi sinh sống), vừa phải được bố trí ở nơi làm việc. Việc bố trí công trình thể thao ở cả hai nơi sẽ gây lãng phí và khó khả thi, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp trong việc bố trí quỹ đất, xây dựng, vận hành, quản lý và phát huy hiệu quả sử dụng của các công trình này.
Cân nhắc phương án dành quỹ đất cho thể thao
Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho biết vấn đề đất dành cho thể thao, dự thảo Luật đưa ra hai phương án. Phương án thứ nhất trong quy định xây dựng trường học, khu đô thị, khu dân cư, doanh trại, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao. Phương án thứ hai quy định thêm các khu công nghiệp, khu công nghệ cao cũng phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao.
Cả hai phương án này đều chưa có sự hợp lý bởi theo pháp luật hiện hành, khu công nghiệp, khu công nghệ cao là những khu vực chức năng chuyên sản xuất, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hoặc là khu vực nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao. Do vậy, đây là những khu vực và môi trường chuyên dụng cho sản xuất, nghiên cứu nên ngoài giờ làm việc đây không phải là nơi sinh hoạt, sinh sống, nơi vui chơi giải trí của công nhân. Việc xây dựng công trình thể thao trong khu vực sản xuất, nghiên cứu là không thích hợp.
Cũng theo đại biểu Hiển, ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao, theo pháp luật hiện hành có các khu khác tương tự như khu chế xuất, khu công nghệ ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin... Đây đều là những khu chức năng chuyên phục vụ sản xuất nhưng không được đề cập đến trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, trên thực tế có rất nhiều cơ sở giáo dục, doanh trại quân đội có quy mô nhỏ. Mặt khác, theo dự thảo Luật, các công trình thể thao ở đây được hiểu rất rộng, có thể là công trình lớn như sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu, cũng có thể là những công trình thể thao rất đơn giản. Đại biểu cho rằng, quy hoạch công trình thể thao như thế nào là tùy vào điều kiện từng cơ sở.
Đại biểu Hiển đề nghị xem xét lại cả hai phương án của khoản 1 Điều 65 để đảm bảo tính khả thi, nhất là trong điều kiện mật độ dân cư quá cao tại các khu đô thị lớn cùng với sự kham hiếm quỹ đất. Việc sử dụng đất cho thể dục thể thao cần nằm trong tổng thể quy hoạch chung của khu dân cư, khu đô thị phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị để vừa bảo đảm quyền tham gia thể dục thể thao của người dân, vừa tránh lãng phí nguồn lực đất đai, nguồn lực của Nhà nước.
Đồng quan điểm với đại biểu Hiển về vấn đề đất dành cho thể thao, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) bổ sung thông tin, ngay cả trong Bộ luật Lao động không có quy định doanh nghiệp phải tổ chức cho công nhân viên các hoạt động thể thao, do vậy đại biểu cho rằng không nên làm khó cho các doanh nghiệp. Cũng theo đại biểu, hầu hết các công trình thể thao hiện nay chỉ phát huy hiệu quả sử dụng tối đa tại khu dân cư.
Đại biểu Dương Tuấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu ý kiến: “Khu công nghiệp là khu riêng chỉ dành cho sản xuất công nghiệp, không có nhà ở, không có dân cư sinh sống. Nếu xây dựng công trình thể thao ở khu vực này thì có hợp lý không?”
Cũng theo đại biểu, công trình thể dục thể thao chỉ phát huy được hiệu quả tối đa khi đặt ở nơi dân cư sinh sống. Trong khi công nhân vào khu công nghiệp chủ yếu là để sản xuất. Do đó, để đảm tính khả thi, công trình thể thao gắn với nơi sinh sống của công nhân là phù hợp. Trên cơ sở đó, đại biểu đồng tình với phương án 1, tức là giữ nguyên như quy định hiện hành.
Tranh luận quan điểm này, đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) dẫn chứng điều 149 Luật Đất đai quy định: Việc sử dụng đất xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, làng nghề phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Khi quy hoạch, thành lập khu công nghiệp, khu chế xuất phải đồng thời lập quy hoạch, xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng nằm ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Do vậy, theo đại biểu việc dành quỹ đất cho khu công nghiệp như phương án 2 của dự thảo luật là phù hợp.
Một số đại biểu cho rằng, việc dành quỹ đất cho công trình thể thao ở các khu công nghiệp là cần thiết để tạo điều kiện phát triển thể chất, sức khỏe và tinh thần cho công nhân, từ đó sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất.
Có nên quy định bơi là môn học bắt buộc?
Về vấn đề quy định bơi là môn bắt buộc trong nhà trường, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng nếu làm được điều này sẽ rất tốt, lý tưởng. Tuy nhiên, đại biểu ủng hộ lựa chọn phương án không quy định bơi là môn học bắt buộc trong nhà trường, bởi chiếu theo khoản 1 Điều 35 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đây là nội dung chính sách mới được đề xuất, cần có đánh giá tác động của chính sách.
Dự án Luật này không có báo cáo đánh giá tác động đối với vấn đề này. Cũng theo ý kiến của đại biểu, phạm vi tác động của chính sách này là rất lớn, tác động đến hệ thống các trường phổ thông, trường đại học, đối tượng giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy...
Dựa trên việc xem xét tính khả thi của quy định, đại biểu Hoa nêu ý kiến: “Trong điều kiện nước ta hiện nay, việc quy định bơi là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa là khó khả thi, bởi hầu hết các trường đều chưa có bể bơi. Theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này, chỉ có 0,4-0,6% các trường phổ thông có bể bơi; 13% các trường đại học có bể bơi.” Đại biểu cũng nêu một số bất cập về ngân sách, quỹ đất các trường, đội ngũ giáo viên dạy bơi.
Để góp phần khắc phục tình trạng đuối nước như nhiều đại biểu còn băn khoăn, đại biểu Hoa cho rằng, cần có sự phối hợp giữa Nhà nước, nhà trường, gia đình, xã hội chứ không thể chỉ quy trách nhiệm cho nhà trường. “Một chính sách dù hay nhưng nếu chưa khả thi thì cũng chưa nên đặt ra trong dự thảo Luật lần này,” đại biểu Hoa nói.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Dương Tuấn Quân (Bà Rịa Vũng Tàu) cho rằng với đặc điểm nước ta có hơn 3.000km đường bờ biển, nhiều sông hồ, kênh rạch, tình trạng đuối nước ở trẻ em diễn ra thường xuyên như hiện nay, nếu môn bơi lội được đưa vào bắt buộc trong chương trình chính khóa sẽ rất tốt vì bơi không chỉ là kỹ năng sinh tồn, mà còn là một môn rèn luyện thể chất, hỗ trợ cho việc tăng cường tầm vóc, sức khỏe người Việt Nam. Tuy nhiên trong điều kiện Việt Nam hiện nay, việc này là khó khả thi do hầu hết các trường đều chưa có bể bơi. Việc giáo viên đưa học sinh đến bể bơi sẽ gây tốn kém về thời gian và phát sinh kinh phí, tạo gánh nặng cho học sinh, phụ huynh và nhà trường, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Đồng quan điểm này, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng nếu quy định môn học này là bắt buộc trong nhà trường thì sẽ khó khả thi vì điều kiện hiện nay của các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu để triển khai mộn học này về kinh phí, giáo viên. Nếu quy định môn bơi là bắt buộc sẽ tạo áp lực đầu tư cho nhà trường, tạo gánh nặng cho phụ huynh và học sinh.
Trong khi đó, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) và đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng cần quan tâm đến vấn đề “xóa mù bơi.” Đại biểu Dương Trung Quốc nêu ý kiến, cần có tiêu chí bắt buộc, ví dụ tiêu chí vào đại học là phải biết bơi.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng điều quan trọng là các đại biểu Quốc hội, Quốc hội có coi đây là vấn đề quan trọng không? Nếu chưa có bể bơi thì sẽ có bể bơi, có luật thì sẽ có cơ chế, có chính sách để đầu tư, sẽ có giáo viên dạy bơi.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến đối với các nội dung thể thao thành tích cao, đánh cược thể thao, vấn đề lồng ghép giới trong thể dục thể thao, việc quy định các cơ sở thể thao công lập phối hợp với các cơ sở giáo dục phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường./.