Đóng góp tích cực của nữ đại biểu dân cử vào sự phát triển đất nước

Theo kết quả nghiên cứu của UNDP tại Việt Nam, Quốc hội khóa XIV (2016-2021) là nhiệm kỳ đầu tiên Việt Nam có nữ chủ tịch Quốc hội, và 26,7% đại biểu là nữ. Nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh chiếm 26,7%.
Đóng góp tích cực của nữ đại biểu dân cử vào sự phát triển đất nước ảnh 1Lãnh đạo Đảng, Nhà Nước cùng các nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sáng 19/5, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ quan cùng phối hợp nghiên cứu tổ chức báo cáo trực tuyến kết quả nghiên cứu "Vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu dân cử Việt Nam giai đoạn 2016-2021."

Nghiên cứu được thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam và UNDP Việt Nam, trong khuôn khổ chương trình Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Kết quả nghiên cứu cung cấp dẫn chứng thực tiễn về đóng góp của nữ đại biểu Quốc hội và nữ đại biểu Hội đồng nhân dân vào sự phát triển kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước trong suốt 5 năm qua.

Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia trả lời phiếu hỏi của 248 đại biểu Quốc hội khóa XIV (50% số đại biểu Quốc hội) và 136 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh của ba tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương quản lý gồm Hà Nội, Bình Phước và Cần Thơ.

Bằng phương pháp nghiên cứu thực chứng sử dụng phân tích định lượng và định tính, nghiên cứu cũng đưa ra một số đề xuất chính sách và thực tiễn hướng tới bình đẳng giới trong các cơ quan dân cử ở Việt Nam giai đoạn 2021-2026 và hướng tới năm 2030.

Quốc hội khóa XIV (2016-2021) là nhiệm kỳ đầu tiên Việt Nam có nữ chủ tịch Quốc hội, và 26,7% đại biểu là nữ. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chiếm 26,7%, theo kết quả bầu cử năm 2016.

[Bầu cử Quốc hội khóa XV: Kỳ vọng tiếp tục nâng cao tỷ lệ đại biểu nữ]

Kết quả nghiên cứu "Vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu dân cử Việt Nam giai đoạn 2016-2021" cho thấy, mặc dù có mối quan tâm và thế mạnh ở các lĩnh vực khác nhau, cả nam và nữ đại biểu dân cử đều quan tâm đến lợi ích cử tri, coi lợi ích cử tri là yếu tố quan trọng nhất trong thực hiện nhiệm vụ.

Nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân có xu hướng chủ động hơn trong việc tận dụng phương tiện truyền thông xã hội để trao đổi, tương tác với cử tri so với các nam đại biểu.

Nam và nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đều khẳng định họ đáp ứng nhu cầu giải quyết đơn thư, kiến nghị của cử tri ở mức độ cao. Cả nam và nữ đại biểu Quốc hội đều tự đánh giá họ có thế mạnh nhất ở lĩnh vực lập pháp. Tương tựu, cả nam và nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đều cho rằng hoạt động giám sát là thế mạnh bậc nhất của họ.

Về phẩm chất quan trọng của đại biểu dân cử, cả nam và nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đều coi trọng ba phẩm chất "lắng nghe," "có chính kiến" và "có khả năng theo đuổi vấn đề." Nữ đại biểu đề cao hơn phẩm chất "có khả năng theo đuổi vấn đề" hơn nam đại biểu.

Bà Elisa Cavacece, Phó đại sứ kiêm Tham tán phát triển, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, chia sẻ vai trò lãnh đạo trong khu vực công của phụ nữ thực sự mang ý nghĩa quan trọng bởi tính cấp thiết của việc đảm bảo quan điểm và tiếng nói của phụ nữ trong toàn bộ tiến trình hoạch định chính sách.

Mỗi chính sách công cần phản ánh đầy đủ quan điểm của cả phụ nữ và nam giới nhằm đảm bảo bình đẳng và công bằng.

Nghiên cứu khuyến nghị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa XII), đó là đến năm 2030: "Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Cụ thể, cấp ủy viên các cấp phải đạt từ 20-25% là nữ. Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35% là nữ."

Để đạt được mục tiêu đó, báo cáo đề xuất đã đến lúc Việt Nam đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ ứng cử viên mỗi giới từ 45% trở lên trong danh sách ứng cử viên, nhất là khi tỷ lệ nữ ứng cử viên trong danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV chính thức hiện đã đạt 45,28%.

Giáo sư-tiến sỹ Phạm Quang Minh (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh: "Kết quả nghiên cứu cho thấy nữ đại biểu dân cử nhiệm kỳ 2016-2021 đóng góp ngang tầm với nam đại biểu dân cử đồng nhiệm, thậm chí có phần nổi trội hơn ở một số lĩnh vực, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Chúng ta có thể tin tưởng và dành cho các nữ ứng cử viên có năng lực những lá phiếu để họ đại diện cho 50,2% dân số nữ ở Việt Nam."

Báo cáo nghiên cứu cũng đề xuất cần tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri qua tất cả các kênh, nhất là kênh truyền thông xã hội. Cùng với đó, cần khuyến khích và tạo mọi cơ hội để cả nam và nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tham gia tất cả các lĩnh vực bằng việc áp dụng chỉ tiêu giới trong tất cả các Ủy ban của Quốc hội và trong các ban của Hội đồng nhân dân các cấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục