Đồng hành cùng doanh nghiệp đưa du lịch sớm hoạt động trở lại

Nhiều đơn vị ở Quảng Ninh bắt đầu xây dựng các chương trình truyền thông, quảng bá, cũng như xây dựng chương trình kích cầu riêng để sớm đưa hoạt động du lịch dịch vụ trở lại.
Đồng hành cùng doanh nghiệp đưa du lịch sớm hoạt động trở lại ảnh 1Tàu tham quan Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Sớm ban hành chính sách kích cầu du lịch đồng thời lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp và tìm biện pháp tháo gỡ là hai động thái lớn của tỉnh Quảng Ninh nhằm sớm khôi phục các hoạt động du lịch, dịch vụ trở lại ngay trong cuối tháng 9 và đầu tháng 10 tới, sau khi kiểm soát được tình hình dịch COVID-19.

Để kích cầu ngành du lịch hiệu quả, ngày 8/9, tại kỳ họp thứ 19, Hội đồng Nhân dântỉnh Quảng Ninh đã quyết nghị thông qua một Nghị quyết 286/2020/NQ-HDND về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 256/2020/NQ-HDND ngày 14/5/2020 về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch Quảng Ninh năm 2020 và thay thế Nghị quyết 266/2020/NQ-HDND ngày 9/7/2020.

Gói kích cầu du lịch bổ sung này có trị giá khoảng 100 tỷ đồng và có hiệu lực ngay sau khi ban hành.

Quảng Ninh tiếp tục giảm 50% giá vé thu phí vào điểm tham quan và tham quan lưu trú trên Vịnh Hạ Long; giá vé thu phí tham quan cho khách du lịch tại các điểm Bảo tàng Hạ Long, Khu Di tích danh thắng Yên Tử trong thời gian từ ngày 9/9 đến 31/12/2020.

Cùng với đó, tỉnh giảm 100% giá vé thu phí vào điểm lưu trú trên Vịnh Hạ Long trong các ngày lễ, truyền thống như Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Ngày truyền thống Công nhân Vùng mỏ (12/11), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12).

Tiếp đó, tại hội nghị trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được tổ chức vào trung tuần tháng 9 vừa qua, các ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp lữ hành, tàu du lịch, cơ sở lưu trú liên quan để hỗ trợ thuế giá trị gia tăng, giá thuê đất, hỗ trợ giá điện cho các khách sạn, nhiều loại phí liên quan đến du lịch, lãi suất ngân hàng... đều được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành chuyên môn của tỉnh Quảng Ninh giải đáp cụ thể và đưa ra phương án khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

[COVID-19 trở lại: Du lịch cần liên kết để giải quyết khủng hoảng]

Quảng Ninh đã đề ra mục tiêu hoàn thành thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Gói kích cầu và các chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương đã từng bước giúp doanh nghiệp du lịch, dịch vụ Quảng Ninh có điều kiện khởi động lại các hoạt động kinh doanh của mình.

Nhiều đơn vị bắt đầu xây dựng các chương trình truyền thông, quảng bá, cũng như xây dựng chương trình kích cầu riêng để sớm đưa hoạt động du lịch dịch vụ trở lại với chất lượng cao, giữ vững uy tín, thương hiệu du lịch Quảng Ninh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng khẳng định khó khăn của doanh nghiệp cũng chính là khó khăn của tỉnh. Dự kiến trong tháng 9, Quảng Ninh sẽ làm việc với các địa phương, các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương để tiếp tục giải quyết những kiến nghị, đề xuất.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cần phát huy vai trò là cầu nối, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp với tỉnh.

Dưới tác động xấu của dịch COVID-19, từ đầu tháng Hai đến nay, doanh thu từ hoạt động lữ hành đón khách quốc tế và nội địa của tỉnh Quảng Ninh giảm gần 3.000 tỷ đồng; 1.500 lao động bị ảnh hưởng. 112 hộ kinh doanh cá thể sở hữu 165 tàu du lịch đã xin tạm dừng kinh doanh do lượng khách đến vịnh Hạ Long giảm mạnh.

Các cơ sở lưu trú du lịch gặp nhiều khó khăn trong việc chi trả các khoản chi phí hàng tháng. Một số điểm vui chơi giải trí, du lịch lớn của tỉnh như Công viên SunWorld Hạ Long, Tuần Châu, Yên Tử, Bảo tàng đến nay không có khách, ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm trên 1.000 lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục