Đồng Nai dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Đồng Nai dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Tính đến nay, Đồng Nai đã thu hút được 463 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 46,3% so với kế hoạch và tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đồng Nai dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, tính đến nay, Đồng Nai đã thu hút được 463 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 46,3% so với kế hoạch và tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, trong hai tháng đầu năm nay, Đồng Nai là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút nguồn vốn FDI của cả nước.

Trong những dự án vừa thu hút, có 14 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 169 triệu USD và 17 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 298,8 triệu USD.

Các khu công nghiệp Nhơn Trạch, Long Đức, Giang Điền là nơi thu hút được nhiều dự án đầu tư mới, riêng khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 thu hút được bốn dự án với tổng vốn trên 64 triệu USD.

Đài Loan (Trung Quốc) dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai trong hai tháng với bốn dự án có tổng vốn đăng ký 125 triệu USD. Có năm dự án quy mô vốn trên 10 triệu USD; trong đó dự án nhà máy sản xuất của Công ty trách nhiệm hữu hạn Promax Textile có vốn đăng ký 55 triệu USD; dự án của Công ty trách nhiệm hữu hạn Great Kingdom vào khu công nghiệp Giang Điền có vốn đầu tư 50 triệu USD...

Các dự án đầu tư mới có ngành nghề đa dạng, phù hợp định hướng thu hút đầu tư của tỉnh; trong đó có năm dự án thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp cơ khí và dệt may...

Theo Ban quản lý khu công nghiệp Đồng Nai, nguyên nhân thu hút nguồn vốn FDI tiếp tục tăng là do các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều tập đoàn FDI lớn trên thế giới đã đến đầu tư ở các khu công nghiệp tại Đồng Nai nhằm liên kết, đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất nguyên liệu, hàng hóa để cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Một số tập đoàn FDI lớn không ngừng mở rộng sản xuất và xuất khẩu như Hyosung, Changshin, Taekwang Vina, Amata, CP, Fujitsu, Formosa, VPIC, Kenda, Pouchen... Gần đây, khi các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... mở rộng sản xuất tại Việt Nam thì làn sóng các doanh nghiệp FDI đầu tư mới vào Đồng Nai cũng tăng cao và đa số có công nghệ hiện đại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.