Đồng Nai đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, Hoa kỳ là thị trường ổn định và chiếm kinh ngạch xuất khẩu cao nhất của tỉnh Đồng Nai trong những năm gần đây.
Đồng Nai đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm ảnh 1Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ngày 28/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai phối hợp với tham tán thương mại Việt Nam tại các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) tổ chức hội thảo đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm.

Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của Đồng Nai luôn ở mức cao và ổn định trung bình 12%/năm.

Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1.200 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ; hơn 19.500 doanh nghiệp nội địa hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, nhu cầu hợp tác giao thương giữa các doanh nghiệp ở Đồng Nai với các thị trường và đối tác nước ngoài là rất lớn.

Theo ông Vĩnh, Hoa kỳ là thị trường ổn định và chiếm kinh ngạch xuất khẩu cao nhất của tỉnh Đồng Nai trong những năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai.

Tiếp đó là thị trường Nhật Bản, chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; thị trường Trung Quốc chiếm 8,5%. Ngoài những thị trường trên, UAE là thị trường mới, đầy tiềm năng mà các doanh nghiệp ở Đồng Nai đang muốn thâm nhập.

Tại hội thảo, ông Đào Trần Nhân, Tham tán công sứ Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhận định, với việc kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ mở ra một thị trường rộng lớn với 800 triệu dân, chiếm 40% GDP toàn cầu và 30% thương mại toàn cầu.

Theo dự báo, sau khi TPP được ký kết và đi vào thực thi, Việt Nam sẽ tăng GDP thêm khoảng 25% và xuất khẩu tăng 32%. Với những cơ hội trên, ngoài việc đẩy mạnh giao thương hàng hóa với 12 nước thành viên, thị trường Hoa Kỳ là một thị trường lớn mà hàng hoá Việt Nam có thể thâm nhập sâu.

Tuy nhiên ông Nhân cũng đánh giá, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng sẽ gặp những khó khăn do năng lực xuất khẩu yếu; cước phí và thời gian vận tải lớn; hàng rào kỹ thuật và an toàn thực phẩm cao; khó khăn trong thanh toán…

Các Tham tán Công sứ tại Nhật Bản, Trung Quốc cũng cho rằng, đây là những thị trường lớn và có nhiều cơ hội hợp tác giao thương hàng hóa.

Ngoài mặt hàng truyền thống như may mặc, xơ sợi, máy móc thiết bị, thủy hải sản, những năm gần đây mặt hàng về trái cây và sản phẩm nông nghiệp khác cũng đạt kim ngạch khá. Trong đó, Nhật Bản vừa chấp thuận mở cửa tiếp nhận trái xoài của Việt Nam vào thị trường.

Đồng Nai đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm ảnh 2Tham tán thương mại Việt Nam tại UAE phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Ông Phạm Trung Nghĩa, Tham tán Thương mại tại UAE cho biết, dù UAE là thị trường mới đối với phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam , tuy nhiên đây là thị trường quan trọng để có thể đưa hàng hóa tiếp cận thị trường các nước Trung Đông và Châu Phi.

Theo ông Nghĩa, so với các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, thị trường UAE khá dễ tính. Những hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm khi sản phẩm hàng hoá nhập khẩu vào UAE dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, vấn đề giá cả là mối quan ngại của các doanh nghiệp Việt bởi sản phẩm khi vào UAE bị đội giá lên quá cao do chi phí vận chuyển và bảo quản.

Tại hội thảo, hơn 100 doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đã được các tham tán công sứ thương mại tại các nước giải đáp những thắc mắc, cung cấp thông tin cần thiết khi tham gia thị trường những nước này.

Các Tham tán thương mại cho rằng, họ sẵn sàng giúp đỡ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận thị trường nhằm mở rộng hợp tác, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đưa các sản phẩm của Việt Nam đến với cộng đồng các nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.