Đa số diện tích mía của huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai được trồng trên những cánh đồng nằm giữa các vùng kênh rạch nên phương tiện vận chuyển mía từ nơi trồng đến điểm tập kết thu mua chủ yếu là thuyền.
Tuy nhiên, hiện các kênh rạch nơi đây cạn nước, hàng nghìn tấn mía của nông dân đang vào mùa thu hoạch bị “giam” tại ruộng vì thuyền không thể vào chuyên chở.
Vụ mía này, hàng trăm nông dân Nhơn Trạch cầm chắc thua lỗ, người dân cũng lo vụ tới, tình trạng này tái diễn bởi dự án nạo vét hệ thống kênh rạch trên địa bàn huyện đến nay vẫn nằm trên giấy.
Theo ghi nhận của phóng viên, gần một tháng nay, nông dân Nhơn Trạch đã thu hoạch mía, nhưng các hộ chỉ thu hoạch cầm chừng bởi không thuê được phương tiện vào ruộng vận chuyển.
Ông Nguyễn Văn Châu (xã Phước Khánh) cho biết, nhà ông có hơn 1ha trồng mía, những vụ trước đây, ông thuê thuyền vận chuyển từ ruộng ra điểm thu mua, mỗi chuyến thuyền chở được khoảng 5 tấn với chi phí 120.000 đồng/tấn.
Năm nay, nước cạn, thuyền lớn không thể di chuyển được nên gia đình phải thuê thuyền nhỏ, mỗi thuyền chỉ chở được gần 2 tấn, nhưng giá tăng lên đến 140.000 đồng/tấn. Việc thuê thuyền nhỏ cũng rất khó khăn, do vùng này dân chủ yếu sử dụng thuyền lớn.
Tình cảnh của ông Châu đối với nhiều nông dân trồng mía ở Nhơn Trạch vẫn còn là may mắn, bởi có những hộ ruộng mía nằm gần kênh nhỏ - kênh gần như trơ đáy nên mọi loại thuyền đều không thể phát huy tác dụng. Người dân chỉ biết cầu mưa, nước lên để chặt mía đưa đi tiêu thụ.
Mía để quá dài ngày khiến năng suất, chất lượng giảm, trong khi chi phí thuê nhân công thu hoạch, vận chuyển tăng nên theo các hộ dân, vụ mía 2015, người trồng sẽ lỗ từ 5-7 triệu đồng/tấn.
Nông dân Nhơn Trạch như đang “ngồi trên đống lửa” vì hàng chục nghìn tấn mía không thể thu hoạch, họ lại gánh thêm nỗi lo bởi Nhà máy đường Biên Hòa-Trị An (nơi tiêu thụ mía của nông dân Đồng Nai) vừa ra thông báo chỉ kéo dài thời gian thu mua mía đến đầu tháng 4/2015.
Nguyên nhân được nhà máy lý giải là các vùng trồng mía đang vào vụ thu hoạch, lượng mía thu mua của nhà máy hàng ngày ở mức cao; khoảng hơn 20 ngày nữa, nhà máy sẽ mua đủ số lượng mía nguyên liệu.
Theo ông Bùi Phước Đức, Quyền Trưởng Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, huyện có khoảng 1.500ha trồng mía, dù vụ mía đã bắt đầu từ tháng Hai, nhưng đến thời điểm này người dân mới thu hoạch được hơn 500ha, diện tích chưa thu hoạch tương đương 70.000 tấn.
Toàn vùng trồng mía của huyện nằm gần hàng chục tuyến kênh thủy lợi và các cống, đập. Trong khi đó, hệ thống thủy lợi này được xây dựng từ hơn 20 năm trước, nay các tuyến kênh bị bồi lắng, cây cối mọc nhiều, một số đoạn bị tắc nghẽn, gây khó khăn cho việc sản xuất, vận chuyển nông sản.
Ông Đức chia sẻ: “Đang vào cao điểm của mùa khô cùng với độ mặn nước sông Đồng Nai tại khu vực huyện Nhơn Trạch vẫn ở mức cao, trong khi các cống lấy nước cho hệ thống kênh rạch trong huyện phải đóng (không lấy nước) để tránh nguy cơ nhiễm mặn là nguyên nhân khiến nước các kênh rạch trong huyện xuống thấp.”
Huyện Nhơn Trạch đã có nhiều văn bản kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nạo vét các tuyến kênh.
Giữa năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập dự án nạo vét 33 tuyến kênh rạch tại Nhơn Trạch với chiều dài hơn 51km, kinh phí hơn 21 tỷ đồng.
Dự án ưu tiên nạo vét 8 tuyến kênh giao thông nội đồng để phục vụ việc vận chuyển nông sản (đặc biệt là mía) của người dân.
Để nạo vét 8 tuyến kênh trên, Nhơn Trạch cần kinh phí gần 9 tỷ đồng, song đến nay, do chưa có vốn nên dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Ngay cả ông Bùi Phước Đức cũng không biết khi nào việc nạo vét chính thức được triển khai.
Thiết nghĩ, các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai cần nhanh chóng triển khai dự án nạo vét kênh rạch ở Nhơn Trạch, điều này góp phần thúc đẩy sản xuất, giúp người dân dễ dàng vận chuyển nông sản, qua đó làm tăng giá trị hàng hóa của nông dân./.