Đồng ruble mất giá khiến các bãi biển của Ai Cập vắng khách

Đồng ruble mất giá đang khiến ngành du lịch của Ai Cập gặp nhiều khó khăn khi mà lượng du khách Nga tới nghỉ dưỡng tại các bãi biển của quốc gia Bắc Phi này sụt giảm một cách nghiêm trọng.
Đồng ruble mất giá khiến các bãi biển của Ai Cập vắng khách ảnh 1Các bãi biển của Ai Cập vắng khách. (Nguồn: pri.org)

Đồng ruble mất giá đang khiến ngành du lịch của Ai Cập gặp nhiều khó khăn khi mà lượng du khách Nga tới nghỉ dưỡng tại các bãi biển của quốc gia Bắc Phi này sụt giảm một cách nghiêm trọng.

Bối cảnh u ám này đang cản trở đà phục hồi của ngành “công nghiệp không khói” của Ai Cập vốn đã bị chao đảo sau 3 năm hỗn loạn.

Ehab Wahdan, giám đốc của văn phòng Ai Cập của công ty điều hành tour Tez Tour có trụ sở chính tại Moskva, cho biết nhu cầu nghỉ dưỡng của các du khách Nga trong tháng 12 này đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái khi chi phí cho một kỳ nghỉ ở Ai Cập trở nên đắt đỏ hơn.

Những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các khu nghỉ dưỡng trên Biển Đỏ, điểm đến ưa thích nhất đối với khách du lịch Nga, nhất là trong những tháng cuối năm, khi Ai Cập được thiên nhiên ưu ái với một mùa Đông ấm áp và giá cả các dịch vụ tương đối phải chăng.

Một quan chức du lịch Ai Cập thông báo du khách Nga chiếm số lượng lớn nhất trong số các khách nước ngoài tới Ai Cập, chiếm khoảng 20% trong khoảng thời gian 4 năm trở lại đây và chiếm 60% lượng du khách lẻ tới các khu nghỉ mát trên Biển Đỏ.

Aly Nouh, đại diện chủ sở hữu của tập đoàn khách sạn Movenpick tại Soma Bay gần Hurghada, một trong những điểm du lịch lớn nhất trên bờ Biển Đỏ của Ai Cập cho biết: "Trong kinh doanh người ta nói đây là thời điểm bước ngoặt. Ở thời điểm này chúng tôi không thể lấp đầy được chỗ trống mà các du khách Nga đã để lại. Họ rõ ràng chiếm một phần lớn trong số lượng khách quốc tế đến với Hurghada."

Ngành du lịch đang sử dụng 1/7 số lượng lao động người Ai Cập và là một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của quốc gia Bắc Phi này. Theo số liệu của Ngân hàng trung ương Ai Cập, ngành “công nghiệp không khói” tạo ra 9,7 tỷ USD trong năm tài khóa 2012, cao gần gấp đôi so với doanh thu từ kênh đào Suez.

Đồng ruble đã mất hơn 90% giá trị trong năm nay sau khi giá dầu giảm mạnh và tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Moskva do liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và sự mất niềm tin của các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường liên tục bất ổn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục