Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, đồng nội tệ rupiah của Indonesia trong phiên giao dịch cuối tuần đã giảm xuống 12.318 Rp/1USD - mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Theo nhà kinh tế trưởng của ngân hàng BCA (Bank Central Asia), ông David Sumual, đồng rupiah xuống giá so với đồng USD nằm trong tình trạng chung của các đồng tiền toàn cầu hiện nay khi giá trị của đồng tiền Mỹ đang trên đà tăng.
Vì vậy, ông Sumual khuyến nghị Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) cũng như các ngân hàng trung ương khác không nên can thiệp quá nhiều để hỗ trợ đồng nội tệ, bởi như vậy sẽ chỉ càng làm thu hẹp dự trữ ngoại hối quốc gia và xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư, nhất là khi các đồng tiền khác đều đối mặt với nguy cơ xuống giá một khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất.
Giới chức Ngân hàng Standard Chartered lưu ý rằng ngoài những tác động tiêu cực tiềm năng từ việc FED tăng lãi suất, Indonesia còn đối mặt với áp lực lạm phát gia tăng từ việc tăng trung bình 33% giá nhiên liệu từ ngày 18/11.
Tuy nhiên, cũng như nhiều cổ phiếu châu Á khác, cổ phiếu Indonesia đã tăng trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/12, theo đó Chỉ số Indonesia Composite Index (JCI), thước đo giá trên thị trường chứng khoán Indonesia (IDX), đã tăng 0,19% và đóng cửa ở mức 5.175 điểm./.