Ngày 12/8, tại Nam Định, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP (có hiệu lực vào ngày 25/8 tới đây) giới thiệu đóng mới tàu cá vỏ thép và phát triển khai thác xa bờ.
Tại hội nghị, nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cũng như khả năng đóng tàu đã nhận được sự quan tâm của ngư dân. Tuy nhiên, ngư dân cũng đề xuất điều chỉnh lãi suất và thời gian vay vốn cho việc đóng tàu, vấn đề đối tượng vay vốn và giám sát chặt chẽ vốn vay từ chính Thông tư hướng dẫn của Nghị định 67 vẫn chưa được công bố đang khiến nhiều ngư dân băn khoăn và nóng lòng chờ đợi.
16 năm biển đã mơ tàu vỏ thép
Tại hội nghị, ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định cho rằng, khai thác thủy sản đã đem lại lợi ích không nhỏ trong phát triển kinh tế, xã hội. Hiện, địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó, đặc biệt quam tâm chương trình đóng mới tàu cá vỏ thép.
“Trong giai đoạn đầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến phân bổ cho tỉnh Nam Định 26 tàu khai thác và 3 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, đây là một con số rất nhỏ, Nam Định đang kiến nghị được hỗ trợ đóng mới với số lượng tàu cá nhiều hơn trong chương trình này,” ông Hưng cho hay.
Theo nhiều ngư dân ở Nam Định, việc sở hữu tàu cá vỏ thép công suất lớn, trang bị đầy đủ các phương tiện đi biển hiện để vươn khơi bám biển dài ngày là ước mơ bấy lâu nay của họ.
Ông Phạm Văn Kình, bố đẻ của chủ tàu Hải Âu 01 Phạm Văn Tuyên cho biết, gia đình ông là ngư dân đầu tiên thí điểm hoán đổi tàu vỏ gỗ 200 CV sang tàu vỏ thép 600 CV được Nhà nước hỗ trợ. Kể từ khi nhận tàu từ tháng 1/2014, qua hơn 6 tháng, tàu Hải Âu 01 đã đi được 9 chuyến, trong đó 2 chuyến hòa vốn do biển động ít cá và 7 chuyến có lãi.
“Tàu mới của gia đình đánh cá ở ngư trường Vịnh Bắc bộ, vùng biển Bạch Long Vĩ. Hải Âu 01 là loại tàu lưới rê được SBIC thiết kế chuẩn với khả năng ướp lạnh tốt và khoang chứa lớn. Tuy có tàu tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn so với tàu vỏ gỗ nhưng lại có công suất lớn, thiết kế hiện đại với nhiều tính năng chịu được thời tiết khắc nghiệt nên đi biển dài ngày nếu tính chung sẽ vẫn hiệu quả hơn,” ông Kình chia sẻ.
Với kinh nghiệm 16 năm đi biển bằng tàu vỏ gỗ, ông Kình bảo, nếu không có Nghị định 67, những ngư dân như ông không dám mơ tới tàu vỏ thép vì vốn đóng tàu này gấp 3 lần tàu vỏ gỗ tốt.
Tuy nhiên, mong muốn của gia đình ông Kình cũng như nhiều chủ tàu khác hiện nay là những con tàu vỏ thép được đóng mới được tính vào diện được hỗ trợ tại Nghị định 67 của Chính phủ, bởi những chủ tàu này đã thí điểm áp dụng trước khi có Nghị định 67 chỉ trong một thời gian ngắn.
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Hồng, Phó Phòng nông nghiệp phát triển nông thông huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) nhấn mạnh, để Nghị định 67 phát huy hiệu quả, đề nghị chính sách đầu tư, phải được đầu tư thẳng vào chủ tàu và người đi biển.
Dẫn chứng, ngư dân đóng 1 tàu vỏ thép được vay 5-7 tỷ cần được chia đều cho 6 người trên tàu. Như vậy, cộng động trách nhiệm chung vốn sẽ phát huy hiệu quả, gắn kết hơn đồng thời việc quản lý sử dụng vốn vay, tỉnh cũng nên chỉ đạo khi triển khai ngân hàng phải kết hợp với địa phương có chính sách hỗ trợ, đảm bảo 3 nhà: Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp cùng gắn kết.
Nóng lòng chờ …Thông tư hướng dẫn
Theo ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC, Tổng công ty đã triển khai chương trình thí điểm đóng mẫu 10 tàu cá vỏ thép cho ngư dân. Đến nay, SBIC đã bàn giao được 4 tàu cho các ngư dân, trong đó 2 tàu cho ngư dân tại tỉnh Nam Định và 2 tàu cho ngư dân Quảng Ngãi. Dự kiến cuối tháng 8 này, Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Sông Đào sẽ bàn giao tiếp 2 tàu cho ngư dân tỉnh Thái Bình.
Ông Sự cũng cho biết, SBIC đã đóng được 6 mẫu tàu cá vỏ thép mới cho các nghề khai thác, như nghề lưới rê, lưới vây, lưới kéo, chụp mực, tàu dịch vụ nghề cá và tàu câu cá ngừ…mặc dù mức đầu tư của tàu vỏ thép cao hơn so với tàu vỏ gỗ cùng kích thước và công suất, song tàu vỏ thép sẽ đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn từ việc gia tăng sản lượng, chất lượng đánh bắt và đặc biệt là độ an toàn cao trong khai thác.
“Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy hy vọng trong thời gian tới, các chủ tàu tham gia khai thác tàu mẫu sẽ tiếp tục hợp tác, cùng đơn vị thiết kế và nhà máy thi công để góp ý, hoàn thiện các tính năng kỹ thuật của những con tàu tiếp theo. Qua đó, SBIC có thể cung cấp các mẫu tàu cá mới tốt hơn, đẹp hơn và rẻ hơn cho ngư dân cả nước,” ông Sự nói.
Trong khi, ngư dân và đơn vị đóng tàu đều đang háo hức với chính sách mới từ Chính phủ thì lãnh đạo tỉnh Nam Định cũng như đại diện Ngân hàng Nhà nước tại Nam Định băn khoăn là vẫn chưa nhận được thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định từ phía trên.
Theo ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định, địa phương đã giao cho Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn là đầu mối xem xét tiêu chí vay vốn của ngư dân.
“Còn việc chọn mẫu nào, đóng mới giá tiền bao nhiêu, là do ngư dân tự lựa chọn, đàm phán,và tự ký kết với các đơn vị đóng tàu. Riêng về các chính sách hỗ trợ khác như bảo hiểm, ưu đãi thuế, hỗ trợ chi phí đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép… những nội dung này đều thuộc Nghị định 67 nên khi có thông tư, tỉnh sẽ giao cho Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, triển khai cụ thể, tích cực đến từng chủ tàu, từng ngư dân,” ông Nguyễn Viết Hưng khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, ngày hôm nay, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì buổi làm việc với các Bộ, ngành liên quan về tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thuỷ sản.
[Nghị định 67: Không cho vay tràn lan, hiệu quả kinh tế là hàng đầu]
“Tinh thần xây dựng các văn bản hướng dẫn là nhằm khuyến khích đánh bắt xa bờ, không khuyến khích đánh bắt gần bờ và đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế lên trên hết. Việc đóng mới, nâng cấp tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần được thực hiện thí điểm ở cấp cơ sở, từ đó, chính quyền địa phương sẽ quyết định nhân rộng ra toàn tỉnh,” Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Đối với đối tượng thụ hưởng chính sách, Phó Thủ tướng nêu rõ không cho vay ưu đãi tràn lan, chỉ hỗ trợ người có nghề cá hoạt động hiệu quả, có khả năng tài chính và phương án sản xuất cụ thể; ngoài ra, đối tượng này phải được chính quyền địa phương xác nhận, giới thiệu.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng lưu ý, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, minh bạch chính sách cho vay ưu đãi tới tận cơ sở, tránh tình trạng ngư dân không nắm hết chính sách, bị “cò mồi” lợi dụng để trục lợi./.