Sau gần nửa tháng kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh giúp nông dân Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp tiêu thụ cho hơn 8.000 tấn khoai lang tím ứ đọng chưa có đầu ra.
Ngày 14/6, bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, thông tin tỉnh đã tiêu thụ hơn 6.000 tấn khoai lang tím ùn ứ tại địa phương với giá bán từ 5-6.000 đồng/kg.
Với mức giá như hiện tại, nông dân đang chịu thua lỗ, song nhiều nông dân phải thu hoạch khoai bán để chuẩn bị xuống giống cho vụ lúa Hè Thu.
Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết Sở Công Thương đã kêu gọi giúp tiêu thụ khoai lang tím cho bà con Châu Thành, thông qua mạng xã hội Facebook, zalo, các trang web bán hàng trực tuyến.
[Phát triển chuỗi logictics trong liên kết tiêu thụ nông sản]
Sau khi biết được tình cảnh khó khăn của nông dân, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể, các cá nhân trong, ngoài tỉnh nhiệt tình hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ khoai.
Nhiều giải pháp sáng tạo được các doanh nghiệp áp dụng như: đăng bài thông tin và kêu gọi ủng hộ trên các trang mạng xã hội. Doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể mua khoai lang tặng cho công nhân viên của đơn vị.
Nổi bật là Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp kết nối với tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ, qua đó khoai lang tím của bà con nông dân Châu Thành đã kịp thời tiêu thụ, tránh hao hụt hoặc hư hỏng do côn trùng tấn công.
Bà Bùi Thị Thanh Thủy, Giám đốc Hợp tác xã đặc sản Đồng Tháp, cho biết các thành viên của hợp tác xã gần như hoạt động hết công suất để hỗ trợ tiêu thụ khoai lang cho bà con nông dân ở huyện Châu Thành. “Chúng tôi trân trọng từng đơn hàng, trong giai đoạn khó khăn này tiêu thụ được dù là 1kg khoai cũng rất quý cho nông dân,” bà Thủy tâm sự.
Hiện nay, nhiều thương lái bắt đầu đến vùng trồng khoai lang tím ở huyện Châu Thành đến mua với giá 200.000 đồng/60kg, thay vì mức giá từ 40-50.000 đồng/60kg so với cách đây nửa tháng.
Vừa qua Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu huyện Châu Thành phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ kết nối, tiêu thụ khoai lang cho nông dân; cấp xã, cấp huyện và Hội quán, Hợp tác xã sản xuất khoai lang, nông dân tại địa phương phải cùng vào cuộc, khẩn trương cung cấp đủ sản lượng khoai theo đơn đặt hàng.
Về lâu dài, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị nông dân phải tổ chức lại sản xuất, trong đó sản xuất phải gắn kết với doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng diện tích đạt tiêu chuẩn an toàn, xây dựng thương hiệu khoai lang Châu Thành; nâng cao khả năng chế biến khoai của các hợp tác xã...
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có bản đồ nông nghiệp về cập nhật sản lượng, diện tích sản xuất, thời điểm thu hoạch... để kiểm soát, kết nối tiêu thụ kịp thời cũng như đưa ra khuyến cáo giúp nông dân sản xuất bền vững hơn./.