Liên quan đến dự án "Cải tạo không gian ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa," những ngày qua, nhiều ngư dân xã Quảng Cư và các phường Trường Sơn, Trung Sơn, Bắc Sơn của thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đã yêu cầu Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa làm bến neo đậu tàu thuyền mới với chiều dài 500-1.000m dọc biển Sầm Sơn.
Người dân cho rằng khi thực hiện dự án "Cải tạo không gian ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương thị xã Sầm Sơn" sẽ phải di dời 4 bến neo đậu tàu thuyền ở các xã, phường kể trên, khiến ngư dân mất sinh kế.
Tại buổi tiếp xúc giữa Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến với ngư dân tại 4 phường kể trên vào ngày 7/3 vừa qua, ông Trịnh Văn Chiến đã thẳng thắn nhận lỗi với ngư dân, bởi công tác tuyên truyền, vận động đã không được triển khai tốt để ngư dân hiểu và thực hiện.
Để hiểu rõ hơn về dự án "Cải tạo không gian ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương thị xã Sầm Sơn,” phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Du lịch Sầm Sơn sẽ khai thác được cả 4 mùa
Ông Ngô Văn Tuấn cho biết Dự án "Cải tạo không gian ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương thị xã Sầm Sơn” được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa thực hiện dưới hình thức BOT và đã thực hiện thông báo mời thầu quốc tế.
Tập đoàn FLC đã trúng thầu thực hiện dự án trên với nguồn kinh phí khoảng 316 tỷ đồng. Dự án được triển khai trên chiều dài khoảng 3,5km từ chân núi Trường Lệ đến Vạn Chài resort.
Dự án "Cải tạo không gian ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương thị xã Sầm Sơn” sẽ xây dựng 13 khu chức năng. Trong đó, FLC được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao đầu tư khai thác dịch vụ kinh doanh tại 2 khu chức năng với diện tích xây dựng khoảng 5.000m2, bao gồm 15 công trình phục vụ nhu cầu của du khách như tắm tráng nước ngọt, thuê phao bơi, áo tắm, gửi đồ và 15 công trình kiốt công cộng như bar-càphê, giải khát. Thời gian khai thác các dịch vụ này không quá 29 năm
Còn lại toàn bộ khu vực bãi biển và 11 khu chức năng (với diện tích 31,5ha trên tổng số 32ha) sẽ là quảng trường nhạc nước, không gian điêu khắc, khu vui chơi trẻ em, khuôn viên, công viên cây xanh..., được giao cho Ủy ban Nhân dân thị xã Sầm Sơn quản lý và tổ chức kinh doanh.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, khi triển khai dự án, ngư dân sẽ được hưởng chính sách riêng để chuyển đổi nghề nghiệp, được hỗ trợ kinh phí để đóng tàu thuyền lớn hơn và được ưu tiên mua hoặc cho thuê đất theo giá ưu đãi để kinh doanh dịch vụ.
Dự án khi triển khai sẽ khắc phục được tình trạng nhếch nhác, lộn xộn gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường từ các kiốt dọc bãi biển và 4 bến neo đậu tàu thuyền dọc bãi biển, mang đến một diện mạo mới hiện đại hơn, khang trang hơn cho thị xã Sầm Sơn,
Không gian ven biển Sầm Sơn cũng đẹp và rộng rãi hơn bởi các công trình xây dựng từ mép vỉa hè đường Hồ Xuân Hương ra đến bờ biển không quá 12m, qua đó giảm diện tích chiếm bãi biển từ 15% như trước đây xuống còn dưới 2%.
Du khách đến Sầm Sơn sẽ có nhiều lựa chọn hơn đối với các dịch vụ tại bãi biển và không bị tình trạng "chặt, chém" như những năm trước đây. Hơn thế, địa phương có thể khai thác các dịch vụ du lịch trong cả bốn mùa thay vì chỉ khai thác duy nhất trong mùa Hè như trước đây.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh, khi thực hiện dự án “Cải tạo không gian ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương thị xã Sầm Sơn,” người dân, chính quyền thị xã Sầm Sơn và tỉnh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do cơ sở hạ tầng dự án mang lại.
Hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sinh kế
Liên quan đến việc di dời 4 bến neo đậu tàu thuyền của ngư dân dọc bãi biển Sầm Sơn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân trên địa bàn xã Quảng Cư và các phường Trường Sơn, Trung Sơn, Bắc Sơn của thị xã Sầm Sơn.
Đây là cơ chế chính sách chuyển đổi nghề hỗ trợ riêng cho thị xã Sầm Sơn với mục tiêu sớm cải thiện môi trường và cảnh quan du lịch bãi biển Sầm Sơn, đồng thời bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu vực ven biển, khuyến khích ngư dân vươn khơi, bám biển, đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Các hộ dân tại 4 phường kể trên có tàu, thuyền mủng có công suất máy dưới 20 CV khi không đánh bắt thủy hải sản ven bờ sẽ được hỗ trợ gần 100 triệu đồng.
Khi ngư dân đóng mới tàu thuyền có công suất từ 30 CV đến 400 CV sẽ được hỗ trợ 125 triệu đến 250 triệu đồng (tùy công suất máy) hoặc được hỗ trợ lãi suất vay vốn 7%/năm trong vòng 5 năm.
Với mức hỗ trợ trên, những gia đình nào có điều kiện sẽ đóng mới tàu thuyền vươn khơi bám biển, những gia đình nào có điều kiện kinh tế khó khăn thì chung nhau vốn để đóng mới tàu thuyền.
Những hộ dân nào không theo nghề biển sẽ được Ủy ban Nhân dân tỉnh ưu tiên mua hoặc thuê đất với giá ưu đãi để kinh doanh dịch vụ. Khu vực này, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã có chủ trương quy hoạch làm điểm đến thu hút du khách.
Nói về việc triển khai dự án, anh Nguyễn Sỹ Hải, một ngư dân ở phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn, cho biết: "Trước đây, do chính quyền địa phương không thông báo cụ thể, rõ ràng về cơ chế hỗ trợ của tỉnh nên mới gây ra tình trạng hiểu lầm khiến bà con ngư dân kéo lên Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh để khiếu kiện. Còn hiện nay, gia đình tôi và nhiều hộ ngư dân khác đã hoàn toàn đồng tình, ủng hộ với mức hỗ trợ của chính quyền để chúng tôi chuyển đổi sinh kế"./.