Dự án đường sắt Trung Quốc-Lào: Những đánh đổi chiến lược

Tuyến đường sắt dài gần 1.000km, trong đó 522km chạy qua Vân Nam và 414km chạy qua Lào, sẽ đưa tàu chở hàng và chở khách từ Côn Minh, (Vân Nam, Trung Quốc) tới thủ đô Vientiane của Lào.
Dự án đường sắt Trung Quốc-Lào: Những đánh đổi chiến lược ảnh 1Hình ảnh chụp từ trên không vào ngày 23/4/2020 cho thấy vị trí xây dựng siêu cây cầu chính xuyên sông Mekong của Luang Prabang của tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào ở Lào. (Nguồn: news.cn)

Theo trang mạng scmp.com, tại tỉnh Vân Nam ở Tây Nam Trung Quốc, có một sự phô trương không hề nhẹ xung quanh việc xây dựng tuyến đường sắt lớn nối với quốc gia láng giềng Lào - đất nước duy nhất tại Đông Nam Á không giáp biển và là một trong những nước chậm phát triển nhất ở khu vực.

“Dự án Đường sắt Trung-Lào như một dự án biểu tượng của Sáng kiến Vành đai và Con đường và tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Lào”- dòng chữ này được in trên các biểu ngữ lớn tại một công trường xây dựng gần Yuxi, thủ phủ thuốc lá của Trung Quốc ở trung tâm Vân Nam, cho thấy ý nghĩa của dự án.

Tuyến đường sắt trị giá 6 tỷ USD, dự kiến khai trương vào tháng 12, đã được truyền thông và doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc ca ngợi là “dự án cập cảng chiến lược” giữa chương trình cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc và tiềm năng của Lào để chuyển từ “một quốc gia không giáp biển thành một quốc gia liên kết trên đất liền.”

Tuyến đường sắt này dài gần 1.000km, trong đó 522km chạy qua Vân Nam và 414km chạy qua Lào, sẽ đưa tàu chở hàng và chở khách từ Côn Minh ở Vân Nam, một trong những vùng phát triển nhanh nhất của Trung Quốc, đến thủ đô Vientiane của Lào.

Là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất tại Lào, tuyến đường sắt là bằng chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng tại Đông Nam Á bằng cách đổi mới các tuyến giao thông vận tải và thương mại kết nối trên khắp Đông Nam Á, khu vực vốn là “vũ đài mới” cho cuộc cạnh tranh quyền lực Trung-Mỹ.

Phó giáo sư Dragan Pavlicevic chuyên nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Đại học Xian Jiaotong-Liverpool, đồng thời là chuyên gia về “thuật ngoại giao đường sắt” của Trung Quốc, nhận định: “Trung Quốc sẽ tuyên truyền rằng tuyến đường sắt là bằng chứng cho thấy các dự án đường sắt và kết nối của nước này sẽ hỗ trợ các quốc gia láng giềng và khu vực, rằng sẽ còn nhiều mục tiêu các nước Đông Nam Á có thể đạt được với sự tham gia của Trung Quốc.”

Theo ông, việc hoàn tất tuyến đường sắt có thể là “tin tốt rất cần thiết cho Trung Quốc,” sau khi một số dự án đường sắt quốc tế do Trung Quốc hậu thuẫn bị lu mờ do sự chậm trễ cũng như những cáo buộc về việc bẫy nợ nước chủ nhà, hay thiếu việc làm.

Dự án đường sắt Trung Quốc-Lào: Những đánh đổi chiến lược ảnh 2Ảnh chụp từ trên không ngày 23/7/2020 cho thấy lối vào đường hầm Houay Phoulai ở tỉnh Oudomxay, Bắc Lào. (Nguồn:News.cn)

Điều này có khả năng khiến các nước Đông Nam Á khác xem xét lại và tìm cách xúc tiến những kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt, mang lại cơ hội cho các công ty Trung Quốc, cũng như để tăng cường quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước chủ nhà.

Theo tờ Vientiane Times, Công ty Đường sắt Lào-Trung - liên doanh sẽ điều hành tuyến đường sắt - có kế hoạch thuê 600-700 công nhân người Lào.

[Thái Lan chi 1,6 tỷ USD mua thiết bị đường sắt cao tốc của Trung Quốc]

Theo Xu Liping, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện nghiên cứu quốc gia Trung Quốc về chiến lược quốc tế, với địa thế đồi núi, đặc biệt là ở miền Bắc, Lào không phải địa điểm lý tưởng để xây dựng tuyến đường sắt lớn, song đây là cửa ngõ hữu ích để Trung Quốc thúc đẩy tuyến đường sắt cao tốc Côn Minh-Singapore.

Xu Liping đánh giá: “Từ góc nhìn kinh tế, tuyến đường băng qua Lào tuy ít ý nghĩa nhất trong 3 dự án, song là lựa chọn an toàn nhất vì tình hình chính trị ổn định.”

Trong khi đó, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore Simon Rowedder cho rằng dự án này có thể thể hiện sức mạnh kỹ thuật và tầm cỡ của Trung Quốc.

“Đây là một sự thể hiện sức mạnh bằng cách thiết lập một tiêu chuẩn mới cho cơ sở hạ tầng ở một khu vực không có bất kỳ cơ sở hạ tầng đường sắt quan trọng nào. Nó có thể được quảng bá như sự tiến bộ của Trung Quốc (trong lĩnh vực đường sắt).”

Lào, quốc gia giàu tài nguyên, đang được ưu tiên đẩy mạnh đầu tư trong khuôn khổ Dự án Vành đai và Con đường.

Kể từ khi bắt đầu khởi công xây tuyến đường sắt vào năm 2016, Trung Quốc đã vạch ra các kế hoạch đầu tư bao gồm một đường cao tốc giữa Vientiane và Boten, giáp biên giới Trung Quốc, và khu kinh tế xuyên biên giới Mohan-Boten, mà các quan chức Lào hy vọng có thể bắt chước những thành công của trung tâm công nghệ Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc, giáp Hong Kong.

Theo Rowedder, đổi lại cho sự phát triển rất cần thiết trong nước, Lào cho Trung Quốc thêm ảnh hưởng về địa chính trị, có thể cho phép nhượng bộ hơn nữa đối với việc khai thác tài nguyên cũng như tiếp cận cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á.

Đối với Lào, quốc gia đã xác định kết nối hậu cần là điều cần thiết cho sự phát triển của đất nước, liên kết đường sắt với Trung Quốc có thể thúc đẩy hội nhập kinh tế, đặc biệt là về du lịch, thương mại và đầu tư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.