Dự án thủy điện Thượng Kon Tum chưa hẹn ngày phát điện

Dự án chính thức được khởi công từ tháng 9/2009, sau gần 5 năm thi công, đến nay Dự án thủy điện Thượng Kon Tum vẫn chưa hẹn ngày phát điện.
Dự án thủy điện Thượng Kon Tum chưa hẹn ngày phát điện ảnh 1Lễ khởi công xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Dự án thủy điện Thượng Kon Tum, công trình thủy điện lớn nhất trên địa bàn tỉnh Kon Tum được Thủ tướng phê duyệt nằm trong quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Sê San từ năm 2001, có công suất 220MW.

Dự án chính thức được khởi công từ tháng 9/2009, sau gần 5 năm thi công, đến nay Dự án thủy điện Thượng Kon Tum vẫn chưa hẹn ngày phát điện.

Hiện tại, trên công trường, các hạng mục Tuyến áp lực (đập dâng và đập tràn xã lũ), nhà quản lý vận hàng, thiết bị cơ điện được các đơn vị thi công làm tốt. Riêng với đập dâng của công trình, do tiến độ giải phóng mặt bằng chậm gần một năm nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công ban đầu. Riêng hạng mục tuyến năng lượng (cửa nhận nước, hầm giao thông, đường hầm dẫn nước) vẫn chưa hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Hiện tại, cửa nhận nước và 5km đoạn đầu đường hầm dẫn nước (đào bằng phương pháp khoan nổ thủ công) được triển khai từ 9/2009 theo dự kiến thời gian thi công là 48 tháng nhưng đến nay nhà thầu mới đào được hơn 3km. Tiến độ thi công này là quá chậm trễ so với tiến độ đề ra.

Với đường hầm dẫn nước dài hơn 15km, trong đó có 3km đào khoan nổ thủ công, còn lại bằng máy, thời gian thực hiện là 42 tháng. Năm 2011, tổ hợp nhà thầu bắt đầu tiến hành triển khai thi công gói thầu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa xong.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh (chủ đầu tư công trình), đến đầu tháng Sáu này hầm dẫn nước đào bằng máy mới thi công được hơn 1,8km, bằng 14,7% khối lượng thiết kế. Bình quân mỗi tháng, đơn vị thi công chỉ đào được 91m/tháng, trong khi theo tiến độ dự thầu của tổ hợp nhà thầu, bình quân mỗi tháng đào 530m.

Ngoài ra, một số hạng mục khác cũng đang thi công chậm như Nhà máy tầng 1 mới đào đá được 67%, tầng 3 đào được 9% khối lượng thiết kế. Hầm giao thông, thời gian thi công 24 tháng bắt đầu từ đầu năm 2010 nhưng đến nay tổ hợp nhà thầu đã thi công phần đào đường hầm, phần gia cố mới đạt khoảng 50% khối lượng công việc….

Theo ông Đào Xuân Quý, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, mỗi năm dự án chậm tiến độ, nhà máy thất thu từ 1.000 đến 1.200 tỷ đồng. “Chắc chắn, đến năm 2015 nhà máy không thể đưa vào vận hành được,” ông Quý khẳng định.

Theo Quy hoạch Điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (năm 2011), thủy điện Thượng Kon Tum dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào năm nay. Tuy nhiên, chính vì những vướng mắc trên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Theo tính toán của chủ đầu tư, riêng việc đào hầm bằng máy đã chậm gần 2 năm so với tiến độ hợp đồng và chậm hơn một năm so với tiến độ hiệu chỉnh.

Chậm là vậy nhưng tổ hợp của hạng mục tuyến năng lượng (do Tổ hợp nhà thầu Viện Hoa Đông Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cục Đường sắt Trung Quốc số 18 trúng thầu, giá trị gói thầu hơn 1.600 tỷ đồng, bằng 44,7% so với giá thầu của nhà thầu xếp thứ hai) lại có những yêu cầu thiếu căn cứ.

Theo đánh giá của chủ đầu tư, mặc dù thi công chậm tiến độ hợp đồng nhưng tổ hợp nhà thầu trên đã không có những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công mà lại đòi bổ sung chi phí do ảnh hưởng của việc cấp điện thi công; chi phí rò rỉ nước ngầm; chi phí ảnh hưởng của đường vào công trường; tăng chi phí trượt giá cho những khối lượng thi công không đúng tiến độ…. Đơn vị thi công đòi chi phí bổ sung lên đến 800 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư đã kiên quyết không chấp nhận.

Từ đầu năm đến nay, đơn vị thi công chỉ làm việc cầm chừng. Ông Võ Thành Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh khẳng định trong văn bản gửi tỉnh Kon Tum: “Chủ đầu tư đã tổ chức nhiều cuộc họp với lãnh đạo cấp cao của tổ hợp nhà thầu. Tổ hợp nhà thầu cũng đã có nhiều cam kết tổ chức lại thi công để đẩy nhanh tiến độ nhưng tình hình thi công vẫn không tiến triển. Nhà thầu cố tình trì hoãn thi công để kéo dài thời gian thực hiện gói thầu, đòi tăng giá xây dựng.”

“Dừng thi công có một nghịch lý là đường hầm 5.000m, đào xuống được 3.000m rồi dừng. Trong đường hầm thi công, nước ngầm ở lòng núi tràn ra hầm, trong khi đó việc hút nước do chủ đầu tư,” ông Quý cho biết thêm.

Hiện tại, ở đường hầm, chủ đầu tư phải bố trí 4 máy bơm hoạt động liên tục 24/24 giờ để hút nước ra khỏi hầm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.