Phóng viên TTXVN tại Singapore dẫn bài phân tích đăng trên báo The Business Times ngày 23/12 cho rằng năm 2020, đại dịch COVID-19 khiến các nền kinh tế rơi vào suy thoái nghiêm trọng, song những biện pháp can thiệp chưa từng có tiền lệ của các ngân hàng trung ương và chính phủ các nước trên toàn thế giới đang thúc đẩy các nền kinh tế phục hồi.
Năm 2021 được dự báo là năm của sự phục hồi tuy nhiên quá trình này sẽ diễn ra không đồng đều trên toàn cầu, trong đó các nền kinh tế mới nổi được kỳ vọng sẽ dẫn đầu xu hướng.
Các nhà đầu tư hiện hướng tới triển vọng tươi sáng hơn trong năm 2021 dựa trên những hy vọng về vắcxin phòng COVID-19, các biện pháp kích thích tài chính và khả năng nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng vào năm 2021.
Năm tới có thể đánh dấu sự phục hồi kinh tế giai đoạn đầu, tương tự như giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tăng trưởng toàn cầu được kỳ vọng sẽ phục hồi sau khi rơi xuống những mức thấp nhất trong nhiều năm do tác động của dịch bệnh COVID-19 và quá trình này có khả năng sẽ được đẩy nhanh nhờ triển khai thành công các chương trình chủng ngừa vắcxin phòng COVID-19.
Các nhà phân tích tin rằng tốc độ phục hồi kinh tế và thu nhập giữa các khu vực sẽ khác nhau đáng kể. Mặc dù dịch bệnh được kiểm soát tốt ở các khu vực chính của châu Á, nhưng tình hình ở các quốc gia và khu vực như Mỹ, châu Âu và Mỹ Latinh xấu hơn.
[Kinh tế toàn cầu có thể mất ổn định dù sắp có vắcxin phòng COVID-19]
Cụ thể, Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan của nước này đã nối lại “hoạt động kinh doanh như thường lệ” vào đầu tháng 5/2020. Trong khi đó, các quốc gia phát triển phương Tây đang tiếp tục vật lộn với những làn sóng bùng phát COVID-19 mới, buộc chính quyền phải thực hiện các biện pháp phong tỏa ở một số địa phương, cản trở các kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế.
Sự khác biệt trong khả năng kiểm soát dịch bệnh COVID-19 giữa các quốc gia và khu vực này kéo theo mức độ ảnh hưởng về kinh tế sẽ không giống nhau, có xu hướng nghiêm trọng hơn ở các nền kinh tế phát triển phương Tây so với ở các nền kinh tế mới nổi của châu Á.
Như vậy, các nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ khởi động năm 2021 trên một nền tảng vững chắc, trong khi các điều kiện tăng trưởng tồi tệ hơn sẽ làm chậm quá trình phục hồi của các quốc gia phát triển phương Tây.
Các chuyên gia kinh tế tin tưởng châu Á và các thị trường mới nổi có khả năng hoạt động tốt hơn các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu. Sự phục hồi vững chắc của Trung Quốc từ dịch COVID-19 trong nửa cuối năm 2020 đã đem lại kết quả Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng trong năm nay, ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu giảm.
Điều này tạo điều kiện cho các nền kinh tế ngoại vi ở châu Á, như Hàn Quốc, tận dụng nhu cầu đang tăng lên của Trung Quốc.
Trong thời gian tới, tổng hợp của các chất xúc tác tích cực sẽ hỗ trợ cho các nền kinh tế mới nổi. Sự kết hợp giữa các yếu tố như khả năng phục hồi theo chu kỳ trong năm 2021; đồng USD yếu; khả năng phục hồi mạnh mẽ về thu nhập tạo ra những động lực quan trọng.
Hơn nữa, khả năng Mỹ sẽ theo đuổi một chính sách ổn định và thân thiện với thương mại hơn dưới thời chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ hỗ trợ thêm cho tăng trưởng của các thị trường mới nổi.
Lần cuối cùng các nhà phân tích quan sát thấy mối liên kết giữa các điều kiện cơ bản và vĩ mô thuận lợi như vậy là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, cách đây hơn một thập kỷ.
Theo nhiều nhà phân tích, với đà phục hồi kinh tế được cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây, “dòng thủy triều” đang hướng sang các thị trường mới nổi và năm 2021 sẽ là năm của họ./.