Du học sinh về nước cần phải có tinh thần kinh doanh "trong máu"

Việt Nam phải vươn lên mạnh mẽ về kinh tế để có thể cạnh tranh quốc tế. Do đó, những trí thức du học quốc tế trở về nước và làm việc trong mọi lĩnh vực cần phải có tinh thần kinh doanh “trong máu."
Du học sinh về nước cần phải có tinh thần kinh doanh "trong máu" ảnh 1Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Vietnam+)

“Chất lượng giáo dục bậc cao tại Việt Nam vẫn còn yếu, do đó khả năng đẩy nhanh cải cách thể chế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai.

Tuy nhiên, Việt Nam đang có một lực lượng du học sinh khá lớn, có điều kiện tiếp cận các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và họ chính là lực lượng nhân sự quan trọng trong quản trị nhà nước, doanh nghiệp cũng như nghiên cứu khoa học… Hơn lúc nào hết, thời điểm này lòng yêu nước của các bạn trẻ cần phải kết tinh bằng những tinh thần kinh doanh trong các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội.”

Đây là lời kêu gọi của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam (VCCI) với các du học sinh Việt Nam về một tinh thần khởi nghiệp, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tiến sâu vào ngưỡng cửa hội nhập, tại sự kiện Ngày hội kết nối tình bạn quốc tế-International Friendship Day với chủ đề “Tư duy khởi nghiệp từ góc nhìn vĩ mô” do các hội cựu du học sinh các nước  Anh, Mỹ, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Singapore, Nga… tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Phòng Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài.

Kết hợp hài hòa giữa thực dụng và lãng mạn

Theo ông Lộc, Việt Nam phải vươn lên mạnh mẽ về kinh tế để có thể nâng cao sức cạnh tranh quốc tế. Do đó, những trí thức trẻ được du học quốc tế trở về Việt Nam và làm việc trong mọi lĩnh vực cần phải có tinh thần kinh doanh “trong máu”.

“Bởi, suy cho cùng sức mạnh kinh tế quyết định sự chiến thắng của mỗi quốc gia trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng như hiện nay,” ông Lộc nói.

Tại cuộc hội đàm với các du học sinh, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đã chỉ ra những yếu tố nền tảng cho các cơ hội khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay. 

Cách nhìn nhận về phát triển của Việt Nam, của khu vực cũng như thế giới đã khác so với 30 năm-40 năm trước, giờ đây nó đã trở nên hài hòa hơn, cân đối hơn và đặc biệt là "xanh" hơn.

Ông Thành minh chứng, ngành nghề "kinh doanh xanh" không còn là câu chuyện yêu môi trường mà nó đang tạo ra công ăn việc làm, lợi nhuận kinh doanh và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP mỗi quốc gia.

Bên cạnh đó là chuyên gia hàng đầu về hội nhập quốc tế, ông Thành nhấn mạnh, Việt Nam được đánh giá là quốc gia “dũng cảm” trong hội nhập với các hiệp định thương mại tự do chất lượng nhất cùng các đối tác kinh tế mạnh mẽ nhất trên thế giới.

“Việt Nam chắc chắn sẽ có lợi trong các ngành có lực lượng lao động cao như dệt-may, giày-da, các lĩnh vực kết nối như phát triển kết cấu hạ tầng, vận chuyển, công nghệ phần mềm… Các du học sinh sẽ có cơ hội chen chân vào mạng sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, để trở thành một thành tố trong đó, các bạn trẻ phải học cách kết nối, tư duy chia sẻ phải rất sòng phẳng đồng thời cũng phải rất chân thành. Một yếu tố khác không thể thiếu được, đó là sự kết hợp hài hòa giữa thực dụng và lãng mạn,” ông Thành chân thành chia sẻ với tâm thế cựu du học sinh của một thế hệ đi trước.

Du học sinh về nước cần phải có tinh thần kinh doanh "trong máu" ảnh 2Ra mắt Cộng đồng cựu du học sinh Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

“Lỳ": Chìa khóa của thành công

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều cựu du học sinh có sự nghiệp kinh doanh vững chắc trong và ngoài nước chia sẻ đã sẵn sàng kinh nghiệm khởi nghiệp cho các thế hệ du học sinh mới.

Theo các chuyên gia và các doanh nhân, môi trường kinh doanh Việt Nam mặc dù đã rất cởi mở song mức độ cạnh tranh vẫn ở cấp độ thấp so với các nước trong khu vực, thêm vào đó vẫn còn có những sự nhũng nhiễu, thiếu công bằng-minh bạch cộng với áp lực cạnh tranh từ tiến trình hội nhập, khiến cho hoạt động khởi nghiệp là rất khó khăn.

Ông Đoàn Hữu Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Consulting Group, cựu du học sinh Mỹ chân thật: “Thiếu lãng mạn thì làm kinh doanh trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam sao được. Bởi, hệ số an toàn kinh doanh là rất thấp, vậy nên cứ lạc quan mà hướng về phía trước. Tôi đã phải đặt sổ đỏ đến lần thứ 3 mới ‘sống’ được như hiện nay.”

Trở về nước từ Mỹ cách đây 10 năm, ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổ hợp Công nghệ và Giáo dục TOPICA cũng thú nhận quá trình khởi nghiệp đầy chông gai của mình. Trong 5 năm đầu, ông Tuấn đã thất bại tới 3,4 lần trong các lĩnh vực cung cấp thẻ ngân hàng, đấu thầu kênh truyền hình kỹ thuật số, kinh doanh mạng xã hội… và cuối cùng phải 5 năm trở lại đây “thần tài mới nở nụ cười” với ông Tuấn.

“’Chết’ là phải quên luôn để giải quyết cái mới. Không ‘lỳ’, không làm gì được; quyết không ‘chết’ là chúng ta có thể tồn tại. Tuy nhiên không nên ‘đặt cược’ tất cả trong mỗi dự án kinh doanh, bởi nếu có cú sốc quá lớn sẽ không thể vượt qua được,” ông Tuấn tâm huyết.

Bên cạnh việc khởi nghiệp, ông Nguyễn Lâm Phương, Giám đốc Công ty Công nghệ FPT, cựu du học sinh Nga cho rằng, các du học sinh trẻ có thể tìm thấy cơ hội kinh doanh tại các tập đoàn kinh tế trong nước có hoạt động đa quốc gia. Như vậy, họ không chỉ sử dụng năng lực kiến thức của mình và còn có thể tận dụng các kinh nghiệm từ sự trải nghiệm ở các nước mình du học để trợ giúp cho công ty mở rộng thị trường.

Ngoài ra, rất nhiều du học sinh trẻ tại buổi tọa đàm cho biết, các vấn đề khó khăn của họ khi trở về nước làm việc, không phải là thu nhập mà là môi trường làm việc thiếu sự khuyến khích cũng như sự đố kị, ghen ghét từ đồng nghiệp…

Về điều này, ông Tuấn cho biết mình cũng gặp tình cảnh này khi trở về nước vào năm 2002, “tôi không nhận được sự ủng hộ từ những đồng nghiệp đi trước, mỗi khi tôi đưa ra các sáng kiến của mình.”

Về điều này, ông Võ Trí Thành chân thành chia sẻ: “Điều tôi học được, đầu tiên nếu chúng ta muốn làm gì thì cũng phải học bản chất của vấn đề, của sự vật. Thứ hai đã quyết định ở lại, chúng ta phải dám sống với đất nước này, với thể chế này và với tất cả những điều còn chưa tốt lành ở đây. Chúng ta sống trong đó, song chúng ta vẫn là chúng ta, vẫn là những con người cá thể, như thế không lâu sau bạn sẽ có thể thành công”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.