Dù khó khăn nhưng chưa điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng

Mặc dù khó khăn do tác động của dịch bệnh song quan điểm nhất quán của Thủ tướng Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô tạo nền tảng cho phát triển bền vững,
Dù khó khăn nhưng chưa điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng ảnh 1Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì phiên họp báo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thông tin tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 5/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã thông tin hai kịch bản tăng trưởng kinh tế do Bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra trong phiên họp Chính phủ hôm nay.

Cụ thể, theo kịch bản, nếu dịch bệnh 2019-nCoV được khống chế trong quý 1 thì khả năng tăng trưởng năm 2020 sẽ đạt 6,27%, còn khi dịch khống chế trong quý 2 thì tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 6,09%.

Theo Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ, cả hai kịch bản trên đều thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,8% mà Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ thực hiện trong năm nay.

Trước kịch bản đưa ra, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần có các giải pháp bù đắp những vấn đề thua thiệt ảnh hưởng đến tăng trưởng.

[Xuất khẩu của doanh nghiệp nội và FDI đều giảm mạnh trong tháng Một]

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, thời gian tới Chính phủ xác định việc chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đồng thời có các giải pháp chủ động để giữ được nhịp độ tăng trưởng. Đặc biệt khi kiểm soát dịch bệnh thành công phải tập trung khôi phục sản xuất, bảo đảm cung-cầu giá cả hàng hóa, kích thích tăng trưởng.

Ông cho biết, nhiều bộ ngành đã đưa ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và đảm bảo tăng trưởng kinh tế, trong đó phía Ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất và nhiều chính sách khuyến nghị doanh nghiệp sử dụng vốn, còn Bộ Nông nghiệp cũng nêu giải pháp về thị trường hỗ trợ cho người dân tiêu thụ hàng hóa.

Ngoài ra, Chính phủ cũng quyết định miễn thuế đối với nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, thuốc sát trùng phục vụ chống dịch.

"Mặc dù khó khăn như vậy quan điểm nhất quán của Thủ tướng Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô tạo nền tảng cho phát triển bền vững, đặc biệt không đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Đặc biệt Thủ tướng nhấn mạnh việc kiểm soát giá cả, lạm phát trong đó tập trung giảm giá thịt lợn về mức bình thường, tạo thuận lợi để hàng hóa lưu thông cũng như thông quan nhanh tại các cửa khẩu.

Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, trên cơ sở số liệu tháng Một, Bộ đã có những tính toán dự kiến, mức độ tác động của dịch đối với tăng trưởng kinh tế, cùng với số liệu cập nhật được, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng như trên.

Tuy vậy, theo ông, đây chỉ là con số ước tính và dự báo đồng thời còn tùy thuộc vào điều kiện dịch bệnh được kiểm soát vào thời điểm nào cũng như cấc chính sách, tác động điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế. Đây là phương án mà Bộ gắn với tình hình dịch bệnh hiện nay và sẽ thường xuyên cập nhật, rà soát, báo cáo kịp thời cho Chính phủ.

Với các kịch bản đưa ra, ông Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đưa ra 2 gói giải pháp, theo đó đầu tiên là tập trung ưu tiên vào việc kiểm soát dịch, sau đó Bộ kiến nghị giải pháp khắc phục thiệt hại và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.