Du lịch “bắt tay” điện ảnh cùng phát triển kinh tế xanh thế nào?

Đã đến lúc điện ảnh và du lịch không thể là “những đường thẳng song song” mà phải cùng hợp tác để “đi xa” trên hành trình xúc tiến quảng bá du lịch, phát triển nền kinh tế xanh Việt Nam.
Du khách quốc tế thăm quan bối cảnh phim trường "Kong: Skull Island" tại Ninh Bình, vào tháng 8/2019, trước thời điểm khu này phải tháo dỡ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Du khách quốc tế thăm quan bối cảnh phim trường "Kong: Skull Island" tại Ninh Bình, vào tháng 8/2019, trước thời điểm khu này phải tháo dỡ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Hai phần ba du khách toàn cầu đã xem xét việc du lịch dựa trên nguồn cảm hứng từ các bộ phim điện ảnh, và 39% đã đặt chuyến đi dựa trên những câu chuyện từ màn ảnh. Đây là kết quả nghiên cứu từ báo cáo Xu hướng Du lịch 2023 của Expedia.

Thực tế ở trong nước, điện ảnh Việt đã có nhiều cơ hội để “bắt tay” cùng du lịch quảng bá hình ảnh các điểm đến ra thế giới bằng những thước phim đẹp đẽ. Song, không phải lúc nào con đường xúc tiến này cũng “trải thảm nhung.”

Muốn đi xa hãy đi cùng nhau

Còn nhớ, vào cuối những năm 1980s đầu 1990s Việt Nam từng là điểm dừng chân của điện ảnh Pháp với “Người tình,” “Điện Biên Phủ” và “Đông Dương.” Sau khi 3 bộ phim này phát hành, lượng du khách đến Việt Nam tăng đáng kể, trong đó có nhiều đoàn khách đến từ những thị trường du lịch còn xa lạ với ta thời điểm đó như Israel, Trung Đông…

Vài năm trước, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ đã có công lớn khi đánh thức tiềm năng xanh vùng đất Phú Yên, bên cạnh các trung tâm du lịch biển nổi tiếng Nha Trang-Khánh Hòa và Quy Nhơn-Bình Định.

Đại diện các hãng lữ hành đều cho biết, sở dĩ nhiều du khách nô nức tìm đến Phú Yên vì mê cảnh đẹp của vùng đất ấy qua những cảnh quay từ màn ảnh rộng… Nhiều bộ phim khác của các nhà làm phim Việt cũng tạo được hiệu ứng tốt cho các điểm đến nước nhà.

Du lịch “bắt tay” điện ảnh cùng phát triển kinh tế xanh thế nào? ảnh 1Giới trẻ Việt thích thú trải nghiệm bối cảnh phim trường "Kong:  Skull Island" tại Ninh Bình, trước khi khu này buộc phải tháo dỡ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Đáng nói, tháng Tư vừa qua, “Hành trình tình yêu của một du khách” (A Tourist's Guide to Love) do Netflix quay tại 5 điểm đến mang tính biểu tượng của Việt Nam là Hà Nội, Hà Giang, Đà Nẵng, Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ sau bốn ngày công chiếu đã nhanh chóng cán mốc 13,4 triệu giờ xem, xếp thứ 3 phim tiếng Anh được truy cập nhiều nhất thế giới; lọt top 10 phim được xem nhiều nhất tại Việt Nam cũng như 77 quốc gia trên toàn cầu. Điều đó cho thấy sức lôi cuốn, hấp dẫn khán giả năm châu với cảnh sắc thiên nhiên, vẻ đẹp văn hóa, con người Việt Nam.

[Điện ảnh liệu có giúp “chắp cánh” cho xúc tiến quảng bá du lịch Việt?] 

Song, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá tuy có kho tàng bản sắc văn hóa đa dạng, tài nguyên du lịch đồ sộ, phong phú cũng như hiệu ứng từ các bộ phim kể trên, nhưng cũng phải thừa nhận, so với nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều đoàn làm phim nước ngoài.

“Việc quảng bá điểm đến thông qua tác phẩm điện ảnh mới chỉ nhỏ lẻ, chưa thực sự khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có. Lâu nay, điện ảnh, mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch... đều đi ‘một mình một đường,’ trong khi ‘muốn đi xa phải đi cùng nhau,” ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

“Bom tấn” Hollywood từng “quay xe” với Việt Nam

Trên cương vị “người trong cuộc,” tiến sỹ Nguyễn Văn Tình, nguyên Cục Trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ một câu chuyện khác, là thực tế “không vui lắm” với những người làm điện ảnh và du lịch nước nhà.

Ông Tình cho biết: “Thời điểm tôi còn phụ trách Phòng Đối ngoại Cục Điện ảnh, một công ty phim của Hollywood đề nghị ta cho phép thực hiện một phần trong loạt phim ‘bom tấn’ 007, và Hãng phim Giải phóng cung cấp dịch vụ. Lúc đó, công tác chuẩn bị đã xong, thậm chí họ còn thuê hẳn tàu biển lớn kéo vào Vịnh Hạ Long làm bối cảnh cho phim. Nhưng rất tiếc sau đó, phim không được quay.”

Du lịch “bắt tay” điện ảnh cùng phát triển kinh tế xanh thế nào? ảnh 2Ngôi sao Rachael Leigh Cook trong một cảnh quay "A Tourist's Guide to Love" ở Thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam. (Ảnh: Netflix)

“Họ buộc phải rời sang Thái Lan để làm phim này và chọn đảo Khao Phing Kan trong vịnh Phang Nga, gần Phuket. Cách bờ biển khoảng 40 mét là một hòn đá vôi rất lớn, cao đến 20 mét. Địa điểm được chọn so với bãi tắm Titov và hòn Trống Mái của ta ở Vịnh Hạ Long thì thua xa về vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ.”

Màn “quay xe” này sau đó đã giúp Thái Lan thu hút lượng lớn du khách đến thăm quan địa điểm từng là trường quay series 007 và người Thái đã đổi tên đảo thành “Đảo James Bond.”

Việt Nam sau đó còn để tuột mất cơ hội với bộ phim “Heaven and Earth” (Trời và Đất) về đề tài chiến tranh Việt Nam của Oliver Stone - người từng hai lần giành Giải Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất và một Giải Oscar khác cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Dù rất mong muốn được ghi hình ở chính đất nước đã từng diễn ra cuộc chiến tàn khốc, song cuối cùng đạo diễn phải chọn Thái Lan để hoàn thiện các cảnh quay về Việt Nam.

Theo các chuyên gia nhận định, cũng bởi cơ chế khắt khe trong kiểm duyệt kịch bản mà phải hơn chục năm sau đó, các hãng phim nước ngoài đã không còn mặn mà đến Việt Nam quay phim nữa.

Du lịch và điện ảnh “bắt tay” cách nào?

Không chỉ các nhà sản xuất phim thế giới gặp rào cản khi muốn làm phim ở Việt Nam, mà ngay trong nước, nhiều nhà làm phim nội cũng gặp khó khăn trong các thủ tục hành chính khi đến làm việc với các địa phương.

“Có quá nhiều giấy tờ, các ban bệ, đôi khi không thống nhất về mặt yêu cầu thủ tục. Chẳng hạn, Luật điện ảnh đã không còn yêu cầu các hãng phim duyệt kịch bản phim để được cấp phép quay, nhưng các địa phương vẫn yêu cầu giấy kiểm duyệt khiến các hãng phim rất khó xử,” đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho hay.

Du lịch “bắt tay” điện ảnh cùng phát triển kinh tế xanh thế nào? ảnh 3Hội An cũng là một trong những bối cảnh quay tại Việt Nam của bộ phim "A Tourist's Guide to Love." (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Lãnh đạo nhiều địa phương còn có tâm lý muốn tập trung giới thiệu các địa điểm du lịch nổi tiếng, trong khi với các nhà làm phim, họ cũng mong muốn tìm bối cảnh cảnh quay ở những địa điểm mới lạ. Nếu không được người địa phương giới thiệu, các nhà làm phim thường mất nhiều thời gian tự tìm kiếm, khám phá hoặc có thể khó biết đến những địa điểm đẹp.

Để hài hòa lợi ích đôi bên cũng như điện ảnh góp phần giúp quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam, theo đạo diễn Nhật Linh các nhà làm phim cần hợp tác với ngành du lịch, bằng cách “bắt tay” với các tổ chức du lịch, ngành du lịch để tận dụng tiềm năng kích cầu du lịch từ sản phẩm phim.

Theo góc nhìn của các nhà làm phim, sự hợp tác này có thể bao gồm việc cung cấp thông tin và hình ảnh cho các chiến dịch quảng bá du lịch, tổ chức các sự kiện liên quan đến phim và du lịch, thiết lập các gói du lịch đặc biệt dựa trên nội dung phim…

Là chuyên gia nhiều năm gắn bó với ngành điện ảnh, văn hóa nước nhà, ông Nguyễn Văn Tình gợi ý để tăng cường hiệu quả quảng bá văn hóa du lich thông qua điện ảnh, các nhà làm phim có thể bám sát các chủ đề như: Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam; Ẩm thực Việt Nam; Home stay in Việt Nam; Khám phá thiên nhiên Việt Nam; Du lịch qua các vùng miền Việt Nam; Lễ hội Việt Nam; Các làng nghề truyền thống Việt Nam…

Theo ông Tình, ngành du lịch có thể đặt hàng các nhà sản xuất làm những phim ngắn theo những chủ đề trên, nhưng sản phẩm phải cô đọng, súc tích, cảnh quay đẹp, hoành tráng, cuốn hút người xem. Các phim quảng bá này sau đó có thể dùng trong các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch cả ở trong và ngoài nước cũng như trên các nền tảng truyền thông khác.

Du lịch “bắt tay” điện ảnh cùng phát triển kinh tế xanh thế nào? ảnh 4Vịnh Hạ Long cũng là bối cảnh hoàng tráng xuất hiện trong bộ phim "Kong:  Skull Island." (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Có thể nói, đã đến lúc điện ảnh và du lịch không thể là “những đường thẳng song song” mà phải cùng hợp tác để “đi xa.” Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh hợp tác gắn điện ảnh với quảng bá du lịch, phát triển nền kinh tế xanh Việt Nam.

Bộ trưởng nhấn mạnh việc cần sớm giải quyết và tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp để tăng tính cạnh tranh, như tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục cho các đoàn làm phim nước ngoài tới Việt Nam; chính sách ưu đãi về thuế, phí theo quy định của pháp luật; miễn giảm chi phí lưu trú, vé vào danh lam thắng cảnh.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam cần thu hút đầu tư xây dựng phim trường chuyên nghiệp; các địa phương, doanh nghiệp du lịch phối hợp nhịp nhàng với các đoàn làm phim để khai thác hiệu quả du lịch từ điện ảnh; kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch cần đồng bộ với kế hoạch sản xuất phim, các hoạt động triển lãm.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục