Quyết định số 2227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định: Phấn đấu đưa thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng, là một trong những trung tâm phát triển du lịch của cả nước.
Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, xác định mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ thành thành phố Trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng và phát triển thành phố trên cơ sở khai thác vị thế và tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc...
Cần Thơ được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hòa và đất đai màu mỡ, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt...
[Cần Thơ: Phát triển du lịch vẫn không lơ là phòng chống COVID-19]
Với vị trí địa lý trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nguồn tài nguyên bản địa phong phú, thành phố Cần Thơ đã không ngừng đẩy mạnh khai thác du lịch.
Đặc biệt, Cần Thơ tận dụng lợi thế về sông, rạch và những đặc trưng văn hóa riêng, từng bước khẳng định là nơi hội tụ của văn minh sông nước miền Tây.
Thời gian gần đây, thành phố phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng, du lịch homestay, du lịch gắn nông nghiệp với nhiều điểm đến hấp dẫn du khách.
Trên thực tế, du lịch cộng đồng ở Cần Thơ chưa thực sự phát triển, tiềm năng du lịch cộng đồng chưa được phát huy...
Từ hiện trạng "mạnh ai nấy làm"...
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, cho biết hiện thành phố có ba cụm du lịch cộng đồng nổi bật. Đó là du lịch cộng đồng Cồn Sơn (thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy), cộng đồng nhà vườn (thuộc huyện Phong Điền), Cù lao Tân Lộc (thuộc phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt).
Đặc điểm chung của các mô hình này là dựa trên tài nguyên bản địa vườn cây trĩu quả, ao cá, bến sông, các món ăn miệt vườn, các loại hình văn nghệ dân gian như đờn ca tài tử... để thu hút du khách thập phương.
Tuy nhiên, hầu hết các điểm du lịch vẫn còn làm ăn nhỏ lẻ, đầu tư manh mún, thiếu sự liên kết và thiếu định hướng phát triển rõ ràng.
Cụ thể, du lịch cộng đồng Cồn Sơn (thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) với diện tích tự nhiên 76ha, trên địa bàn có 33/76 hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng từ năm 2015.
Hiện nay, Cồn Sơn theo mô hình nhà vườn du lịch. Du lịch cộng đồng Cồn Sơn phát triển và lan tỏa nhờ vào sự đoàn kết, hợp tác trên tinh thần tập thể quyết định, các hộ dân phối hợp nhau để cung cấp dịch vụ, tạo sự đa dạng.
Tiêu biểu như sản phẩm du lịch "mâm cơm cộng đồng" do các gia đình đóng góp một món ăn trên mâm cơm, phát huy được sở trường của mỗi hộ gia đình (mỗi hộ gia đình một sản phẩm) và tận tình, hướng dẫn, chia sẻ những bí quyết để du khách có thể tự tay trải nghiệm làm những món ngon địa phương.
Các hộ dân làm dịch vụ chèo đò đưa khách đến Cồn Sơn, các hộ nuôi cá bè trên sông Hậu phục vụ khách tham quan và bán đặc sản chế biến từ thủy sản, mang đến cho du khách trải nghiệm khác biệt...
Tuy nhiên, theo ông Lý Văn Bon (Bảy Bon) thành viên Câu lạc bộ Liên thế hệ, cộng đồng du lịch Cồn Sơn, do du lịch cộng đồng Cồn Sơn dựa trên nguyên tắc tự nguyện giữa các hộ, nên việc phân chia trách nhiệm, loại hình sản phẩm cũng như phối hợp để tạo thành chuỗi các sản phẩm du lịch khép kín hiện vẫn còn khá lỏng lẻo.
Nhiều hộ không tuân thủ nguyên tắc mỗi hộ 1 sản phẩm, tự ý chồng chéo sản phẩm, nâng giá, tách khỏi chuỗi điểm đến... khiến du khách không hài lòng, ảnh hưởng đến uy tín của cả cộng đồng.
Với hơn 6.000ha cây ăn trái, huyện Phong Điền được mệnh danh là vương quốc trái cây của Cần Thơ: dâu Hạ Châu, vú sữa Lò Rèn, mận An Phước, nhãn da bò, măng cụt, sầu riêng, táo hồng, mít nghệ, xoài cát, quýt đường, cam mật...
Với tiềm năng, lợi thế hiện có, Phong Điền đã được định hướng xây dựng, phát triển trở thành đô thị sinh thái với nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch: Làng Du lịch Mỹ Khánh, Làng Du lịch Ông Đề, Khu du lịch Lung Cột Cầu...
Những năm gần đây, Phong Điền đang được đầu tư phát triển loại hình du lịch miệt vườn, du lịch cộng đồng, thu hút nhiều nhà vườn, hộ gia đình tham gia làm du lịch và thu hút đông đảo khách đến tham quan, thưởng thức như vườn Du lịch Giáo Dương (xã Nhơn Ái), vườn Du lịch Vũ Bình (xã Nhơn Nghĩa), vườn Du lịch Út Trung (phường Hưng Thạnh-Phong Điền), vườn dâu Hạ Châu (xã Nhơn Ái); vườn du lịch 9 Hồng; vườn Ca cao Mười Cương...
Huyện hiện có 63 điểm tham quan du lịch, trong đó có 30 điểm vườn du lịch đang hoạt động.
Những bất cập trong hoạt động du lịch cộng đồng tại huyện Phong Điền đang gặp phải là các điểm vườn du lịch chủ yếu hoạt động còn mang tính tự phát, tính chuyên nghiệp chưa cao, chất lượng dịch vụ du lịch còn thấp.
Bên cạnh đó, các điểm du lịch hoạt động riêng lẻ, chưa có sự liên kết giữa các nhà vườn, sản phẩm dịch vụ du lịch có nhiều điểm tương đồng, chưa hấp dẫn, chưa có tính độc đáo riêng do tận dụng vườn cây ăn trái có sẵn, chưa phát huy được giá trị văn hóa của địa phương; sản phẩm từ cây ăn trái còn hạn chế, chưa đa dạng.
Hệ lụy của hiện tượng này là du khách chỉ đến một điểm vườn thì sẽ không ghé các điểm vườn khác nữa...
Tại cù lao Tân Lộc (thuộc phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt), một số hộ dân cũng đã làm du lịch và đạt được những thành công bước đầu dựa trên những điều kiện, tài nguyên sẵn có của từng hộ gia đình...
Song du lịch cộng đồng tại cù lao Tân Lộc chưa thực sự phát triển mạnh do các hộ dân, điểm vườn hoạt động tự phát, chưa có sự liên kết với nhau, chưa có mô hình quản lý cụ thể, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực chưa đảm bảo hoạt động du lịch và phục vụ du khách.
Câu chuyện "nhiều điểm đến, một sản phẩm du lịch" cũng là điểm nghẽn ở cù lao Tân Lộc.
Hầu hết các hộ làm du lịch trên cù lao đều chỉ quanh quẩn những sản phẩm du lịch dựa trên tài nguyên có sẵn của gia đình như tham quan vườn trái cây, ao cá; các sản phẩm chuyên sâu hay đầu tư nâng cấp hầu như chưa có.
Đến những điểm nghẽn cần tháo gỡ
Theo các chuyên gia du lịch, cụm du lịch cộng đồng Cồn Sơn hiện còn một số hạn chế nhất định. Thị trường khách du lịch chủ yếu là khách nội địa, nhiều nhất đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn nhiều yếu kém, chưa có dịch vụ lưu trú nên mức chi tiêu của khách chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch, chủ yếu là người trong gia đình, nên chất lượng phục vụ còn hạn chế, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.
Về mặt pháp lý, đại diện ký kết hợp tác với các đơn vị lữ hành còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền quảng bá du lịch, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Công tác đầu tư bảo vệ môi trường chưa được chú trọng, chưa có hệ thống xử lý rác thải, nước thải, bến bãi, tàu du lịch đón khách chưa đạt yêu cầu...
Đối với các vườn trái cây hoạt động theo mô hình du lịch cộng đồng ở huyện Phong Điền, cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật một số nơi chưa đảm bảo, đặc biệt hệ thống các kênh, rạch bị nông nên khả năng khai thác du lịch còn hạn chế; các chính sách thu hút đầu tư chưa thật sự hấp dẫn.
Ngoài ra, kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch còn thấp, chủ yếu hoạt động tại địa phương nên hiệu quả chưa cao.
Tại cù lao Tân Lộc, hiện các hộ làm nông nghiệp mới chỉ tận dụng được thế mạnh xứ cồn có nhiều vườn cây ăn trái để phát triển loại hình du lịch miệt vườn như tham quan vườn, thưởng thức trái cây, thưởng thức các món ăn miệt vườn...
Như vậy, những sản phẩm du lịch riêng mang đậm nét địa phương để tạo ra sự độc đáo, hấp dẫn, tăng sức cạnh tranh trong du lịch hầu như chưa được quan tâm phát triển.
Nếu chỉ dừng lại ở du lịch nhà vườn, rất có thể du khách sẽ chọn Phong Điền thay vì cù lao Tân Lộc do địa thế gần trung tâm, đường đi dễ dàng.../.