Du lịch Lục Ngạn mùa vải chín: Quảng bá đưa thương hiệu vải bay xa

Chương trình du lịch Lục Ngạn mùa vải chín được kỳ vọng vừa thu hút khách du lịch đến với tỉnh Bắc Giang vừa góp phần quảng bá trái vải thiều, đưa thương hiệu vải thiều bay xa.
Du lịch Lục Ngạn mùa vải chín: Quảng bá đưa thương hiệu vải bay xa ảnh 1Tặng hoa chúc mừng các công ty, hợp tác xã tham gia chương trình du lịch mùa vải chín ở Lục Ngạn, Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Lục Ngạn đến với du khách trong nước và quốc tế, Chương trình du lịch Lục Ngạn mùa vải chín năm 2023 với chủ đề “Tinh hoa trái cây Việt - đặc sản Việt Nam đạt kỷ lục châu Á" đã chính thức được khai mạc ngày 13/6.

Chương trình do Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm góp phần bảo tồn những nét văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển du lịch xanh, bền vững; phấn đấu sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Từ trái cây đặc sản...

Vải thiều là đặc sản nổi tiếng của huyện Lục Ngạn. Quả vải thiều khi chín có màu đỏ hồng, cùi dày, trắng, hạt nhỏ, rất ngọt, nhiều nước. Hiện tại vải thiều Lục Ngạn đã trở thành thương hiệu không chỉ được người dân trong nước mà cả người dân ngoài nước ưa chuộng.

Với diện tích trồng lớn nhất cả nước nên vải thiều luôn được tỉnh Bắc Giang quan tâm, từ chỉ đạo sản xuất đến xúc tiến đều có sự đổi mới, thiết thực, hiệu quả, bằng nhiều hình thức ở cả trong nước, quốc tế.

Tỉnh Bắc Giang đã và luôn nhất quán và xuyên suốt từ chính quyền đến người dân trồng vải thiều lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có; bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc là yếu tố “cốt lõi” làm chỗ đứng bền vững; với phương châm coi trọng tất cả các thị trường ở cả trong và ngoài nước, hướng tới người tiêu dùng được thưởng thức trái vải thiều ngon, chất lượng cao, sạch và an toàn nhất.

[Năm đầu tiên xuất khẩu vải thiều Bắc Giang bằng đường sắt qua ga Kép]

Mới đây, ngày 7/6, Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023, với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ vải thiều trong và ngoài tỉnh Bắc Giang.

Du lịch Lục Ngạn mùa vải chín: Quảng bá đưa thương hiệu vải bay xa ảnh 2Khách tham quan chụp ảnh tại các gian hàng trưng bày vải thiều. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Huyện Lục Ngạn là vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước và tỉnh Bắc Giang, mùa vụ năm 2023 có tổng diện tích trên 17.000ha trồng vải chuyên canh. Dự kiến sản lượng quả tươi toàn huyện đạt khoảng 98.000 tấn; trong đó, vải chín sớm đạt sản lượng khoảng 25.000 tấn; thời vụ thu hoạch bắt đầu từ ngày 25/5 đến cuối tháng Bảy năm 2023.

Hiện nay, huyện Lục Ngạn đã thực hiện số hóa vùng sản xuất vải tập trung với 88 mã số vùng trồng đảm bảo đáp ứng các điều kiện xuất khẩu chính ngạch (gồm các thị trường: Trung Quốc 35 mã; Mỹ, Australia, EU 19 mã; Nhật Bản 32 mã; Thái Lan 2 mã). Trên địa bàn huyện có 173 cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện hoạt động xuất khẩu.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn La Văn Nam khẳng định với chất lượng vượt trội, vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu đến gần 40 quốc gia và khu vực trên thế giới. Với phương châm coi trọng tất cả các thị trường, cả trong nước, nước ngoài, huyện có nhiều đổi mới trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm.

Năm nay, người dân trồng vải Lục Ngạn đã chuẩn bị tốt nhất về chất lượng sản phẩm để sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu thụ của tất cả các doanh nghiệp, thương nhân và người tiêu dùng.

Đồng thời, huyện Lục Ngạn cam kết đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong hoạt động thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều năm 2023 và những năm tiếp theo.

Năm nay là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang xuất khẩu bằng đường sắt qua ga liên vận quốc tế Kép, Lạng Giang (Bắc Giang).

Dự kiến trung bình một ngày có thể vận chuyển được 300 tấn vải từ ga Kép (Lạng Giang) sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Việc vận chuyển bằng đường sắt sẽ giúp thời gian di chuyển nhanh hơn, khắc phục được tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu, nhờ đó chất lượng quả vải sẽ được đảm bảo hơn.

Cam kết sẽ tiêu thụ khoảng 300 tấn vải thiều của Bắc Giang trong năm nay, ông Paul Lê, Phó Chủ tịch xúc tiến Tập đoàn Central Retail, cho biết để đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023, Central Retail hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp của tỉnh Bắc Giang về các điều kiện, thủ tục, giấy tờ để đưa sản phẩm vải thiều và các nông sản chủ lực của tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market.

Đặc biệt, ngày 15/6/2023, trong Ngày hội trái cây Việt Nam tại Tiền Giang, tập đoàn Central Retail sẽ đưa trái vải thiều Bắc Giang vào phục vụ người tiêu dùng miền Tây Nam Bộ.

...Đến tour du lịch mùa vải chín

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trương Văn Năm cho biết những năm gần đây, Lục Ngạn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trên khắp mọi miền của Tổ quốc trong cả 4 mùa.

Mỗi mùa, Lục Ngạn có nét đẹp đặc sắc riêng: Mùa Xuân là mùa của lễ hội, của những sắc mầu văn hóa, mùa của hoa nở khắp các xóm làng, đồi núi miền quê. Mùa Hè là mùa vải chín, mùa không ngủ của người dân để thu hoạch vải, các thương lái khắp nơi đổ về Lục Ngạn, mùa của những "dòng sông đỏ' - chợ vải trên khắp các ngả đường. Mùa Thu Đông với những vườn cam, bưởi chín vàng trong tiết trời dịu mát, sự rộn ràng, vui mừng của người dân thu hái trái chín.

Nhắc đến Lục Ngạn là nhắc đến trái vải thiều - đặc sản nổi tiếng trong nước và quốc tế. Trái vải của Lục Ngạn có chất lượng vượt trội. Vị thế thương hiệu của sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã được khẳng định không chỉ ở thị trường trong nước mà ở hầu khắp các thị trường lớn nhất, đông dân nhất như Trung Quốc hay những thị trường có tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới như Nhật Bản, EU, Mỹ, Australia…

Tháng 4/2023, Tổ chức Kỷ lục châu Á (lần 5/2023) xác lập đề cử của VietKings, vải thiều Lục Ngạn lọt danh sách đặc sản Việt Nam đạt kỷ lục châu Á theo bộ tiêu chí giá trị ẩm thực châu Á.

Đến với Lục Ngạn vào mùa vải chín, du khách có thể đến thăm, chụp ảnh, tự tay hái những trái vải chín căng mọng tươi ngon thưởng thức tại vườn, mua về tặng người thân; cùng nhà vườn thu hoạch vải; trải nghiệm đi chợ vải đêm, chụp ảnh những "dòng sông vải" đỏ rực các ngả đường vào buổi sáng sớm.

Du khách cũng có thể đi thuyền tham quan các đảo trồng vải trên hồ Bầu Lầy, Cấm Sơn, Khuôn Thần hoặc chụp ảnh tại các triền đồi vải đỏ rực, sai trĩu trong khung cảnh mùa hè rực nắng; tham gia cắm trại, câu cá, đạp xe, các cuộc thi hái vải, ăn vải thú vị tại vườn.

Du lịch Lục Ngạn mùa vải chín: Quảng bá đưa thương hiệu vải bay xa ảnh 3Các đại biểu tham quan và thưởng thức các sản phẩm được chế biến từ quả vải. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ngoài tham quan các vườn cây trĩu quả, du khách còn được thưởng thức ẩm thực, các đặc sản nổi tiếng của địa phương như thịt gà đồi, nem ngựa, mỳ Chũ, tôm cá hồ Cấm Sơn, mật ong vải thiều… Đặc biệt các các món ăn, thức uống chế biến từ vải thiều rất phù hợp trong thời tiết mùa hè.

Vùng đất Lục Ngạn còn giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Các làn điệu dân ca, các bộ trang phục, phong tục tập quán đẹp và những ngôi nhà trình tường lợp ngói máng âm dương của đồng bào các dân tộc vẫn còn được lưu giữ.

Nhiều thắng cảnh đẹp như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi, suối và núi rừng vùng cao, các làng nghề truyền thống… là những điểm hấp dẫn đối với du khách khi đến với Lục Ngạn.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng bày tỏ ấn tượng với chương trình du lịch mùa vải chín được tổ chức trong không gian vườn trái cây, giàu nét văn hóa và cuộc sống người địa phương.

Ông Phùng Quang Thắng cho biết hiện các công ty du lịch, lữ hành đã kết nối và đang phối hợp với địa phương xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch nông thôn, vừa góp phần quảng bá trái vải thiều vừa đưa thương hiệu vải thiều bay xa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Chị Tẩn Tả Mấy, Chủ nhiệm Hợp tác xã cộng đồng người Dao đỏ, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa thực hiện chưng vật liệu truyền thống để sử dụng trong tắm thuốc chữa bệnh. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Khởi động tour du lịch Yoga tại Sa Pa năm 2024

Tham gia tour, du khách sẽ được giới thiệu về bộ môn Thiền chuông, Thiền chuông trị liệu, Thiền chữa lành; tập Thiền và Yoga tại các điểm du lịch tiêu biểu như Khu du lịch Hàm Rồng; Fansipan Legend...