Du lịch Ninh Thuận phục hồi, kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ

Việc Ninh Thuận đón 90.000 lượt khách trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 là tín hiệu khởi sắc, tạo thêm động lực thúc đẩy du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Du lịch Ninh Thuận phục hồi, kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ ảnh 1Biển Bình Sơn-Ninh Chữ (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) thu hút đông du khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng trong dịp lễ. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Theo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, trong 5 ngày nghỉ lễ (29/4-3/5), Ninh Thuận đã đón khoảng 90.000 lượt du khách tham quan, nghỉ dưỡng, tăng khoảng 30.000 lượt so với cùng kỳ.

Nhiều mô hình du lịch thu hút khá đông du khách, nhất là du lịch trải nghiệm tại các vườn nho, du lịch biển.

Đây là tín hiệu khởi sắc đối với ngành du lịch Ninh Thuận, qua đó tạo thêm động lực thúc đẩy du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, cho biết ước tính trong 5 ngày lễ, tổng số du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh đạt 90.000 lượt khách, tăng 49,5% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 2.000 lượt, tăng 100%. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng 76 tỷ đồng.

Có được kết quả này là nhờ ngay từ đầu năm, tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch năm 2023.

Theo kế hoạch, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đề ra trong năm 2023 đón 2.700.000 lượt khách. Trong đó, khách quốc tế đạt 20.000 lượt, khách nội địa đạt 2.680.000 lượt; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 1.900 tỷ đồng.

Cụ thể, ngay trong tháng 3/2023, Ninh Thuận tổ chức Hội thảo giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tăng trưởng khách du lịch trong năm 2023 và Chương trình ký kết hợp tác giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận trong tháng 4.

Đặc biệt, trong tháng 6, Ninh Thuận sẽ tổ chức 3 sự kiện lớn gồm Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận 2023 gắn với đón nhận bằng công nhận của UNESCO “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được ghi danh vào Danh sách văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”; Giải đua xe đạp phong trào Ninh Thuận-Bình Thuận mở rộng lần thứ 1 - năm 2023; Giải Ôtô-Môtô địa hình Ninh Thuận-Bình Thuận.

Trong tháng 10, Ninh Thuận còn tổ chức Giải Golf Bình Thuận-Ninh Thuận mở rộng, và Giải Lướt ván diều-lướt ván buồm Ninh Thuận-Bình Thuận được tổ chức vào tháng 12.

[Sôi nổi Festival Lướt ván diều Quốc tế năm 2022 tại Ninh Thuận]

Ngoài ra, để kích cầu du lịch và tạo liên kết vùng, trong năm 2023, Ninh Thuận còn tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật và gian hàng để giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa, du lịch Ninh Thuận tại sự kiện Tuần Lễ Vàng Du lịch Lâm Đồng; tổ chức Famtrip khảo sát du lịch Thành phố Hồ Chí Minh- Bình Thuận-Ninh Thuận-Lâm Đồng (theo đoàn Caravan) gắn với các chuỗi hoạt động, sự kiện “Năm Du lịch Quốc gia 2023 -Bình Thuận-Hội tụ xanh”; Lễ hội trái cây Ninh Sơn năm 2023.

Về dài hạn, để thu hút du khách với các sản phẩm du lịch mang tính chủ đạo và mới lạ, giai đoạn 2022-2025 Ninh Thuận sẽ phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chính: Nhóm 1 gồm 4 sản phẩm đặc thù đó là du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển, du lịch văn hóa di sản Chăm, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái gắn với khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa.

Nhóm 2 sẽ gồm 4 sản phẩm mới lạ là du lịch khám phá và vui chơi giải trí cát-muối (hai sản phẩm độc đáo của Ninh Thuận), du lịch săn bắn bán hoang dã, du lịch trải nghiệm đường sắt, du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe.

Du lịch Ninh Thuận phục hồi, kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ ảnh 2Du khách tìm hiểu sản phẩm gốm thủ công truyền thống nặn hoàn toàn bằng tay của đồng bào Chăm Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Nhóm 3 sẽ gồm 4 sản phẩm bổ trợ gồm du lịch cộng đồng, du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực, du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo, thương mại du lịch.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động toàn tỉnh.

Đến năm 2030, Ninh Thuận xác định du lịch là nền kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững; phấn đấu đón 6 triệu lượt du khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động toàn tỉnh.

Để đẩy mạnh phát triển du lịch trong giai đoạn này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quy định hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có đăng ký hoạt động kinh doanh và kinh doanh du lịch với kinh phí thực hiện trên 21 tỷ đồng.

Tỉnh hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng điểm dừng chân phục vụ khách du lịch; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng (hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà sàn của đồng bào Raglai, nhà cổ của đồng bào Chăm để kinh doanh du lịch homestay, có quy mô phục vụ từ 10 khách trở lên); hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà vệ sinh, lắp đặt hệ thống thu gom rác thải, biển báo chỉ dẫn tại các thôn, địa điểm có hoạt động du lịch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ phát triển hoạt động, sản phẩm du lịch cộng đồng.

Tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; đồng thời hỗ trợ duy trì, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các khu, điểm du lịch cũng không ngừng đổi mới, sáng tạo, tích cực đầu tư cơ sở vật chất, tiện nghi phục vụ khách, hình thành các sản phẩm, dịch vụ mới gắn với nâng cao chất lượng phục vụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục