Du lịch Việt Nam đang lâm thế “nguy hiểm đáng báo động”

Chưa lúc nào trong 5 năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam lâm vào “thảm cảnh” như hiện nay, với lượng khách quốc tế giảm nghiêm trọng liên tiếp trong 11 tháng, rất dễ có nguy cơ tụt hậu không phanh.
Du lịch Việt Nam đang lâm thế “nguy hiểm đáng báo động” ảnh 1Du khách quốc tế tham quan đền Ngọc Sơn, Hồ Gươm. (Ảnh: TTXVN)

Chưa lúc nào trong 5 năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam lâm vào “thảm cảnh” như hiện nay, với lượng khách quốc tế giảm nghiêm trọng liên tiếp trong 11 tháng qua (từ tháng 6/2014-4/2015). Nếu không triển khai những giải pháp cấp bách, du lịch trong nước rất dễ có nguy cơ tụt hậu không phanh, và một khi đã tụt hậu thì không gì có thể cứu vãn, hồi phục…

Đó là những quan ngại hoàn toàn có cơ sở của các chuyên gia du lịch trong cuộc Hội thảo “Những giải pháp cấp bách thúc đẩy Du lịch Việt Nam tăng trưởng” diễn ra sáng nay (25/5), tại Hà Nội.

Du lịch Việt 2015: “Báo động đỏ”

Thực tế cho thấy, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam những năm qua tăng “đì đẹt,” năm 2010 là 2,1 triệu, tới 2014 là 7,8 triệu khách. Nhìn sang các nước ASEAN như Lào, Campuchia lại có tốc độ tăng trưởng khách chóng mặt: nếu như năm 2010, Lào mới chỉ có hơn 737.000 khách quốc tế ghé thăm, Campuchia có hơn 466.000 khách thì đến năm 2014, con số này đã tăng lên lần lượt là hơn 4,1 triệu và 4,5 triệu khách. Mức tăng trưởng được đánh giá “gây bàng hoàng” do hai quốc gia này có xuất phát điểm thấp hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng với tốc độ này chẳng mấy chốc sẽ “vượt mặt” Việt Nam.

Còn lượng khách quốc tế đến Singapore, Thái Lan, Malaysia có lẽ là con số trong mơ của ngành du lịch Việt Nam: năm 2010, Singapore đón khoảng 6 triệu khách, Thái Lan đón hơn 9,5 triệu khách, Malaysia đón hơn 10,2 triệu khách; đến năm 2014, con số này đã tăng lên lần lượt là hơn 15 triệu, hơn 24,7 triệu và hơn 27,4 triệu khách.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch thu thập được cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế vào Việt Nam của ngành giai đoạn 2010-2015 ngày càng sụt giảm, ở mức độ nguy hiểm đáng báo động. Nếu năm 2010, tốc độ tăng trưởng khách đạt 34,8%, thì từ năm 2011-2014 bắt đầu giảm: 2011 tăng trưởng 19,1%; 2012 tăng trưởng 13,9%; 2013 chỉ tăng trưởng 10,6%; 2014 tăng trưởng còn 4% và đến 4 tháng đầu năm 2015 thì giảm 12,8%.

Phân tích nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam suy giảm, các chuyên gia cho rằng, về khách quan là do sự bất ổn của khu vực biển Đông và một số vùng trên thế giới như Nga, Ukraina; kinh tế thế giới có biến động (giá USD lên cao, euro và đồng yên giảm sâu, giá dầu giảm mạnh) làm giảm như cầu đi du lịch của khách; một số chính sách mới của Việt Nam đã làm khó cho việc thu hút khách du lịch (chính sách visa mới: khách tàu biển ghé vào Việt Nam cũng phải làm visa…).

Nhưng, nguyên nhân chính được cho từ phía chủ quan, khi công tác xúc tiến quảng bá du lịch ngày càng thiếu chuyên nghiệp do có quá nhiều cơ quan cùng tham gia, nguồn lực xúc tiến thiếu nhưng lại phân tán, không thể tổ chức được các chiến dịch lớn làm thay đổi thị trường và thu hút khách vào Việt Nam.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, có quá nhiều hoạt động văn hóa xã hội nhân danh phát triển du lịch làm cho hình ảnh du lịch Việt Nam ngày càng mờ nhạt cả trong và ngoài nước. Ngoài ra, cơ chế quản lý hiện nay làm cho hiệu lực của cơ quan quản lý nhà nước suy yếu, giảm khả năng chỉ đạo và liên kết các địa phương…

Du lịch Việt Nam đang lâm thế “nguy hiểm đáng báo động” ảnh 2Du khách nước ngoài nghỉ dưỡng ở Mũi Né. (Ảnh: TTXVN)

Chuyên gia bày cách “cứu nguy”

Vậy giải pháp nào giúp ngăn chặn đà suy giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam? Theo các chuyên gia như Giám đốc Trung tâm lữ hành Hanoi Redtour bà Vân Anh, Phó Giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist ông Vũ Duy Vũ, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lưu Đức Kế… vấn đề cấp bách cần giải quyết lúc này là những vướng mắc liên quan đến các thủ tục visa, xúc tiến du lịch thị trường trọng điểm…

Ông Vũ Duy Vũ cho rằng: “Trong thời gian qua, thủ tục visa mất nhiều thời gian gây ảnh huởng rất lớn đến du lịch tàu biển, không chỉ với các doanh nghiệp du lịch mà với cả các hãng tàu. Nếu trước đây khách tàu biển được xem là khách quá cảnh (chỉ dừng chân ở Việt Nam 1 ngày) thì nay đều phải khai báo nhập cảnh, với quá nhiều đơn mẫu… Tôi mong muốn được giải quyết thủ tục giấy tờ gọn nhẹ hơn để có nhiều thời gian giới thiệu quảng bá, chào bán sản phẩm du lịch Việt Nam cho khách tàu biển. Nếu có chính sách thủ tục thông thoáng sẽ tạo thuận lợi, hấp dẫn khách.”

Theo ông Vũ, nên từng bước miễn visa cho thị trường khách đến Việt Nam, nhằm tạo không khí thoải mái và mong muốn quay trở lại du lịch Việt Nam cho du khách.

Để “cứu nguy” lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang sụt giảm nghiêm trọng liên tục 11 tháng qua, ông Vũ Thế Bình bày tỏ mong muốn ngay lúc này Chính phủ miễn lệ phí visa cho tất cả khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng từ 7-12/2015.

Trong thực tế, Mỹ, Đức, Anh đã miễn thị thực đơn phương cho 174 quốc gia, Canada miễn cho 173 quốc gia, hay gần Việt Nam như Singapore cũng đã miễn thị thực cho 158 quốc gia, thì Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 16 quốc gia.

Ông Bình nhấn mạnh, để ngăn đà suy giảm khách, cần miễn lệ phí cho khách tất cả các nước vào Việt Nam như đã từng làm rất hiệu quả hồi năm 2009. Toàn ngành cũng cần tập trung nguồn lực tổ chức một số chiến dịch tổng hợp nhằm thu hút khách ngoại vào Việt Nam, thúc đẩy mạnh mẽ ba thị trường hàng đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga; chấn chỉnh tình trạng kinh doanh lộn xộn tại các điểm du lịch; triển khai mạnh mẽ chiến dịch làm sạch môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách…

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện tại, để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, cần triển khai phương thức lấy visa trực tiếp ở cửa khẩu, giống như các nước trong khu vực đã áp dụng đồng thời sớm triển khai cấp visa điện tử (E-Visa) cho khách quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục