Du lịch xanh Việt Nam loay hoay ‘tìm đường’ giữa biển rác

Du lịch có thực sự "xanh" được hay không phụ thuộc không nhỏ vào ý thức của mỗi người dân trong việc chung tay làm sạch môi trường. Và để du lịch phát triển bền vững thì không thể “ăn xổi.”
Một bờ biển ngập rác thải ở Việt Nam. (Ảnh: Lekima Hùng)
Một bờ biển ngập rác thải ở Việt Nam. (Ảnh: Lekima Hùng)

Được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng ngành du lịch Việt Nam lại có đặc thù dựa nhiều vào môi trường tự nhiên. Vì thế, để du lịch phát triển bền vững thì không thể “ăn xổi.”

Một số địa phương trong nước phát triển thành công lĩnh vực này như Đà Nẵng, Nha Trang đều là những nơi vô cùng quyết liệt không chỉ trong vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, xử lý hành vi xả rác hay làm xấu hình ảnh điểm đến mà còn quyết liệt trong cả việc kêu gọi tẩy chay những hành động làm tổn thương môi trường. Làm được như vậy cũng là do cơ quan quản lý làm nghiêm và con người có ý thức.

[Infographics] Chống rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực]

Thế giới từng chứng kiến nhiều bài học về du lịch hủy hoại môi trường và kinh tế địa phương. Về bản chất, khi du lịch bị hủy hoại vì môi trường, con người có xu hướng càng tàn phá môi trường để cứu vãn sinh kế, tạo nên cái vòng mưu sinh luẩn quẩn.

Vậy cuối cùng, khi thời đại 4.0 mở toang những cánh cửa nối liền khoảng cách giữa các nền văn hóa, các điểm đến trên toàn cầu, lại là lúc ý thức cá nhân cần phải đánh thức, để hành xử văn minh trên mỗi hành trình. Và, hãy bắt đầu bằng việc làm nhỏ nhất, không xả rác nhựa ra môi trường, không dùng túi nilon…

Du lịch xanh Việt Nam loay hoay ‘tìm đường’ giữa biển rác ảnh 1Triển lãm "Xả rác ít thôi' tại Trung tâm văn hóa Pháp Hà Nội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bài 1: Ráo riết rung chuông báo động từ những biển rác khắp thế giới

Vài năm trở lại đây, du lịch không đơn thuần chỉ là nghỉ dưỡng, thăm quan danh thắng, tìm hiểu văn hóa, lịch sử địa phương… mà còn hướng tới những giá trị cốt lõi và nhân văn cho cộng đồng, xã hội.

Đó là việc cùng chung tay với người dân bản địa giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường biển, bằng cách thu gom rác thải nhựa, tuyên truyền cộng đồng hạn chế xả rác cũng như sử dụng đồ nhựa dùng một lần…

Chính vì du lịch xanh đang là mục tiêu hướng tới của các doanh nghiệp lữ hành và toàn ngành du lịch Việt Nam nên thời gian qua hàng loạt sự kiện được tổ chức khắp các tỉnh, thành nhằm “cảnh tỉnh” người dân một cách mạnh mẽ và trực tiếp hơn về tác hại khủng khiếp ẩn sau rác thải nhựa và nilon.

Nhận diện “chất độc”

Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc từng công bố thông tin vào cuối năm 2018 rằng, mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28-0,73 triệu tấn rác thải nhựa. Trong khi các chuyên gia thế giới cũng quan ngại, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm 8-12% trong số chất thải rắn sinh hoạt.

Theo đại diện Tổng cục Môi trường, trung bình hàng tháng, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1kg nilon, nhựa sử dụng 1 lần. Nếu 10% số lượng chất thải này không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng rác thải sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Và đó mới chỉ là con số ví dụ khiêm tốn 10%, chứ thực tế thì thật khôn lường.

Du lịch xanh Việt Nam loay hoay ‘tìm đường’ giữa biển rác ảnh 2Rác thải nhựa đang chiếm lĩnh không gian sống của con người. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Truyền thông cũng đã phân tích và cảnh báo nhiều về mối nguy hại tiềm ẩn trong rác thải nhựa và túi nilon, ảnh hưởng đến môi trường và trực tiếp hoặc gián tiếp gây hại sức khỏe con người. Nhưng không phải thông tin nào cũng được lưu lại não bộ mọi người để phân tích, xử lý, từ đó gây ảnh hưởng làm thay đổi hành vi.

Từ 70-800 độ C là nhựa có thể tan chảy để “lẩn” vào thực phẩm, rồi đi vào cơ thể. Những chất độc không thể đào thải tích lũy lâu ngày sẽ gây bệnh nguy hiểm, như các nhà khoa học đã cảnh báo có thể ảnh hưởng tới giới tính ở trẻ em và gây vô sinh ở các bé gái.

Phá hủy môi trường là những gì phế phẩm từ nhựa đang ngày ngày âm thầm “gặm nhấm” hệ sinh thái. Những hạt nhựa nhỏ li ti ngấm vào đất, hòa tan vào các mạch nước ngầm và túa đi muôn phương… Khi lẫn vào nước, các hạt nhựa sẽ lấp đầy khí oxy khiến sinh vật không thể hô hấp, các sinh vật nuốt vào và con người ăn phải cũng chính là gián tiếp ăn chất độc. Đó là một vòng tròn của quy luật tự nhiên. Chúng ta đối xử với tự nhiên thế nào, tự nhiên sẽ đáp trả lại ta thế đó.

Nếu rác thải nhựa có thể dễ dàng tan chảy để đi ‘chu du’ thì tác hại nguy hiểm nhất của túi nilon là cực kỳ khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Nilon chôn lấp ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt lại tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch… Thói quen dùng túi nilon đựng đồ ăn nóng cũng làm giải phóng nhiều chất độc hại.

Du lịch xanh Việt Nam loay hoay ‘tìm đường’ giữa biển rác ảnh 3Đốt rác nhựa và túi nilon tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan. (Ảnh: Lekima Hùng)

Nhìn ra thế giới

Ô nhiễm rác nhựa không chỉ còn là vấn đề riêng của quốc gia nào mà đã trở thành mối lo ngại toàn cầu. Hình ảnh những con chim và sinh vật biển chết hoặc bị thương khi kẹt trong biển rác khổng lồ, thậm chí chết vì ăn số rác này dường chưa đủ mạnh để thức tỉnh con người phải ngay lập tức làm đủ mọi cách cứu lấy thiên nhiên, cứu lấy môi trường.

Theo số liệu từ Liên hiệp quốc, lượng rác thải nhựa thải ra mỗi năm đủ bao quanh 4 lần Trái Đất.

Trong nỗ lực cắt giảm ô nhiễm đại dương, Chính phủ Indonesia đã cấm sử dụng các mặt hàng nhựa sử dụng một lần ở Bali với tham vọng có thể giảm đến 70% chất thải nhựa ra biển ở Bali trong vòng một năm tới.

Chính sách này ban hành nhằm vào các nhà sản xuất, phân phối, cung cấp và các tác nhân kinh doanh, bao gồm cả cá nhân, để ngăn chặn việc sử dụng nhựa dùng một lần. Họ buộc phải thay thế nhựa bằng các vật liệu khác.

Và các nhà khoa học Indonesia đã sáng chế ra túi làm từ khoai mì - loại túi mà sau khi bỏ đi, chỉ cần vài tháng để phân hủy hết. Thậm chí, chiếc túi an toàn tới mức người ta làm thí nghiệm đốt nó đi, pha vào ly nước thì người uống cũng không sao. Vấn đề là, giá của túi khoai mì cao gấp đôi so với túi nilon thông thường.

Du lịch xanh Việt Nam loay hoay ‘tìm đường’ giữa biển rác ảnh 4Một bãi rác ở Indonesia. (Nguồn ảnh: AFP)

Nổi tiếng là một trong các quốc gia xanh, sạch nhất thế giới, ngày 1/7 vừa qua, lệnh cấm túi nilon do Chính phủ New Zealand ban hành chính thức có hiệu lực, và mức phạt có thể lên đến 67.000USD. Từ giờ, ở đất nước này sẽ không còn được sử dụng túi nhựa dùng một lần có quai xách và có độ dày ít hơn 70 micromet.

Theo Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc, cho đến nay hơn 80 quốc gia đã đề xuất các lệnh cấm túi nhựa tương tự New Zealand.

Hưởng ứng phong trào toàn cầu chống lại nhựa sử dụng một lần, tiểu bang California, New York, Hawaii – Mỹ, đã thông qua các lệnh cấm túi nhựa sử dụng một lần và Hawaii có lệnh cấm thực tế.

Năm 2018, lệnh cấm ống hút nhựa đã ban hành tại các thành phố bao gồm New York và San Francisco. Trong luật cũng chỉ ra mức phí đối với túi xách tay là từ 5-10 xu. Một số tiểu bang khác ở Mỹ cấm túi nhựa mỏng nhưng sẽ tính phí cho các lựa chọn thay thế, bao gồm giấy, túi có thể tái sử dụng và có thể phân hủy.

Du lịch xanh Việt Nam loay hoay ‘tìm đường’ giữa biển rác ảnh 5Người dân phơi cá ngay phía trên rác. (Ảnh: Lekima Hùng)

“Soi” lại Việt Nam

Việt Nam là một trong 10 quốc gia có chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ cao nhất thế giới với 3.260km, và cũng là đất nước có tới 2.360 dòng sông lớn, nhỏ. Chỉ cần vứt vỏ một chai nước trên con sông ở những tỉnh miền núi xa xôi như Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, hay Đắk Lắk, Kon Tum... thì cuối cùng “chẳng hiểu sao” chúng cũng ra tới biển.

Tất cả những rác thải nhựa bằng cách này hay cách khác rồi cũng “tìm đường” ra sông rồi đổ về phía biển. Vì thế, mỗi người chúng ta đều không vô can trong câu chuyện này. Đặc biệt, để có môi trường du lịch xanh và an toàn cho sức khỏe, không thể cứ khoanh tay đứng nhìn.

Vài năm trở lại đây, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá mà theo đánh giá của các chuyên gia trong Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2018, mức tăng trưởng lượng khách quốc tế đến lên tới 22,9% (trong khi con số trung bình trên thế giới là 5-6%) là mức tăng trưởng rất cao, đã đưa Việt Nam trở thành “điểm nóng” của du lịch toàn cầu.

Khi trở thành “điểm nóng” thu hút khách mà thiếu sự chuẩn bị hạ tầng và tâm lý, thì lập tức ngành du lịch Việt Nam đối mặt với việc hệ thống các khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí phát triển quá nhanh, quá tải…

Du lịch xanh Việt Nam loay hoay ‘tìm đường’ giữa biển rác ảnh 6Trẻ em bơi lội cùng rác. (Ảnh: Lekima Hùng)

Đặc biệt, du lịch phát triển “nóng” trong khi hệ thống kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước và ngành du lịch chưa theo kịp, dẫn đến nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ xây dựng dễ “né” hệ thống xử lý chất thải. Bên cạnh đó, túi nilon, chai lọ và vật dụng làm bằng nhựa xả khắp các điểm du lịch không được kiểm soát, gây suy giảm sức hấp dẫn điểm đến và ảnh hưởng xấu tới hình ảnh du lịch quốc gia.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành toàn cầu, trong đó tiêu chí bảo vệ môi trường của Việt Nam chỉ xếp 129/136 quốc gia xét về tính bền vững của môi trường.

Về vấn đề này, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu cho hay, dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành du lịch đã luôn tập trung cân đối yêu cầu phát triển du lịch với bảo vệ bền vững môi trường, cân đối giữa bảo tồn với phát triển gắn với bảo vệ môi trường trong các chương trình hành động và chiến lược toàn ngành.

Video triển lãm "Xả rác ít thôi":

“Chúng tôi cũng luôn khuyến nghị các địa phương, các nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ về những tác động của các dự án phát triển đối với môi trường xã hội và môi trường tự nhiên, làm sao đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Đặc biệt, trong quá trình phát triển phải luôn coi trọng yếu tố chất lượng, coi khách du lịch là trung tâm, thấy rằng giá trị của kỳ nghỉ là tối quan trọng để từ đó thiết kế các kế hoạch phát triển, dự án đầu tư phù hợp với sức tải của khu vực, của môi trường cũng như liên hệ với các dự án khác trong việc bảo tồn văn hóa và môi trường,” ông Hà Văn Siêu khẳng định.

Vấn đề là, “ý chí” và chủ trương của lãnh đạo ngành như vậy, nhưng hệ thống thực thi có tuân thủ và thực hiện chuẩn chỉ hay không lại là câu chuyện khác, chưa kể thực tế còn vô vàn biến tướng mà người ta chỉ nghĩ đến việc “lách luật” và kiếm cách “che mắt” thanh tra…/.

Bài 2: Những điểm sáng từ cuộc ‘ra quân’ của ngành du lịch Việt

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục