Theo bài bình luận đêm 31/7 trên tờ Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc và Mỹ đã trải qua xung đột, đọ sức trong lĩnh vực thương mại, và cũng không ngừng thăm dò về giới hạn và sức chịu đựng của nhau.
Nếu hai bên đều có thành ý kết thúc cuộc chiến thương mại bằng phương thức hợp lý thì cần nghiêm túc tận dụng cơ hội trong thời gian tới.
Đương nhiên, hai bên cũng có thể tiến hành cuộc chiến thêm một thời gian, thông qua việc gây thêm nhiều áp lực lên xã hội để làm gia tăng mong muốn đạt được thỏa thuận từ dư luận, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc hai bên phải chịu thêm nhiều tổn thất kinh tế và rủi ro chính trị.
Vòng đàm phán thương mại cấp cao Trung-Mỹ lần thứ 12 có thể được cho là đã tạo ra một cục diện mới, và nếu đi theo tín hiệu tích cực thì đây là sự lựa chọn sáng suốt hơn là tìm kiếm theo khía cạnh tiêu cực.
Dư luận tin tưởng rằng hai nước lớn Trung Quốc và Mỹ không thiếu chìa khóa để mở ra cánh cửa phá vỡ thế bế tắc hiện nay.
[Mỹ sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc]
Trong khi đó, hãng tin Tân Hoa xã đêm 31/7 cũng đăng bài bình luận khẳng định từ Thượng Hải cần nhận rõ tính quanh co, phức tạp ở chặng đường đàm phán trong tương lai. Để làm tan băng, xóa bỏ mọi ngăn cách thì cần đến một quá trình.
Gần đây phía Mỹ thường lên tiếng gây sức ép, cho thấy từ sự đồng thuận về nguyên tắc đi đến thỏa thuận là một quá trình gian khó. Chặng đường đàm phán trong tương lai cần nhiều thời gian, nghị lực và sự kiên nhẫn, đồng thời cũng thử thách trí tuệ chính trị của hai bên.
Để có thể thúc đẩy được đàm phán, hai nước cần nắm lấy thời cơ, quan trọng là dùng hành động thực tiễn để thực hiện nhận thức chung quan trọng mà nguyên thủ hai nước đạt được trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka (Nhật Bản).
Để tiếp tục đàm phán thì hai bên cần giữ chữ tín, nguyên tắc, giới hạn, cùng đi về một hướng trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, xem xét đến các mối quan tâm cốt lõi của nhau.
Đài CCTV ngày 31/7 đưa tin, với việc vòng đàm phán thương mại mới được tổ chức tại Thượng Hải, phía Mỹ bắn tin rằng chính sách thuế quan của Washington sẽ khiến Trung Quốc thụt lùi, còn Mỹ phát triển tốt và bôi nhọ Trung Quốc thường sửa nội dung thỏa thuận vào phút chót vì lợi ích của mình.
Những bày tỏ của phía Mỹ không thể hiện thành ý cần thiết để giải quyết vấn đề đàm phán thương mại, đi ngược lại nhận thức chung giữa lãnh đạo hai nước tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, hòng tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc để đạt được lợi ích tối đa trong đàm phán song phương.
Qua 11 vòng đàm phán, hai bên đã đạt được đồng thuận về phần lớn nội dung, nhưng cũng trải qua nhiều sóng gió vì phía Mỹ thích gây sức ép tối đa, đưa ra đòi hỏi gây tổn hại đến chủ quyền của Trung Quốc, khiến hai bên chưa thể hàn gắn bất đồng.
Còn Thời báo Hoàn cầu ngày 31/7 đăng bài bình luận khẳng định phía Mỹ thường đưa ra những phát biểu thiếu tính xây dựng trong bối cảnh hai bên tiến hành đàm phán thương mại.
Ngày 30/7, Nhà Trắng than phiền Bắc Kinh không giữ đúng cam kết, không có dấu hiệu bắt đầu mua nông sản của Mỹ.
Trong khi đó, ngày 28/7, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc bày tỏ đang đẩy mạnh xúc tiến mua nông sản Mỹ.
Nhà Trắng còn cho rằng Bắc Kinh đang tính toán kéo dài thời gian đàm phán để chờ đợi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020, với mong muốn cựu Phó Tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ thắng cử, sau đó tiếp tục hưởng lợi từ Mỹ.
Đây chỉ là phán đoán thiếu căn cứ từ phía Mỹ. Trung Quốc đàm phán thương mại với Mỹ chứ không phải đàm phán với Đảng Cộng hòa hay Dân chủ.
Tờ Nhân dân Nhật báo ngày 31/7 cũng đăng bài bình luận có tính chất tương tự, trong đó kêu gọi phía Mỹ cần tỉnh táo, tự tôn trọng và giữ chữ tín.
Theo báo này, nếu muốn đàm phán với Trung Quốc, Mỹ cần có thành ý, chứ không nên gây sự. Muốn có kết quả đàm phán tốt thì cần xem xét việc giữa hai bên tồn tại lợi ích đan xen to lớn.
Bài bình luận cho rằng việc hai bên nỗ lực làm đối tác tốt, nghiêm túc giải quyết vấn đề, mới đạt được kết quả có lợi cho cả hai bên.
Tờ Thời báo Hoàn cầu đêm ngày 31/7 đăng bài bình luận khẳng định phía Mỹ rất quan tâm đến vấn đề Trung Quốc mua nông sản Mỹ.
Trong vòng đàm phán này, Trung Quốc đã đáp lại mối quan tâm này, nhưng Trung Quốc cũng khẳng định việc đó được tiến hành dựa trên nhu cầu thực tế của Trung Quốc, đây cũng là một trong những mối quan tâm cốt lõi của Trung Quốc.
Trung Quốc có thể chủ động thể hiện sự chân thành, nhưng để điều đó tiếp diễn, trở thành một trạng thái thường xuyên thì điều quan trọng nhất là Mỹ cần không ngừng làm như vậy với Trung Quốc, tạo ra sự tương tác thể hiện thành ý mang tính ổn định giữa hai bên cho đến khi chốt được thỏa thuận.
Kể từ khi tiến hành cuộc chiến thương mại đến nay, sách lược chủ yếu của Mỹ là gây áp lực tối đa với Trung Quốc. Mỹ cần dỡ bỏ hoặc nới lỏng các sức ép liên quan, không ngừng đáp lại việc Trung Quốc mua nông sản Mỹ./.