Luật Đầu tư công dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, ngày 18/6 tới đây. Tuy nhiên, tới thời điểm này vẫn còn khá nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng về phạm vi bao quát, tính công khai minh bạch, sự giám sát, vai trò và tiếng nói của người dân trong các hoạt động đầu tư công… tại Dự thảo Luật.
“Khó mấy dân liệu cũng song”
Theo Báo cáo tham vấn cộng đồng đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đầu tư công, dự thảo Luật đầu tư công cho thấy, mặc dù tại các Điều 80 và Điều 81 Dự có quy định về việc hình thức giám sát đầu tư cộng đồng, tuy nhiên còn chung chung và chủ yếu ghi nhận tinh thần của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về giám sát đầu tư cộng đồng.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 80 quy định các chương trình, dự án đầu tư công chịu sự giám sát của cộng đồng. Song, Khoản 2 Điều 80 lại quy định cơ quan chủ quản tham khảo ý kiến cộng đồng dân tại các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, các dự án có quy mô di dân, tái định canh, định cư lớn, có nguy cơ tác động lớn đến môi trường.
Như vậy, hai khoản trên có sự thiếu nhất quán khi Luật lại giới hạn phạm vi các dự án mà cơ quan chủ quản tham khảo ý kiến của người dân đồng thời quy định này chưa phản ánh đúng nguyên tắc công khai, minh bạch khi mọi chương trình, dự án có liên quan trực tiếp đến người dân (như triển khai tại địa phương hoặc có liên quan, tác động trực tiếp đến người dân ở địa phương) thì đều phải lấy ý kiến của họ.
Ngoài ra, Dự thảo cũng chưa ghi nhận việc tham vấn hoặc lấy ý kiến chuyên gia về các nội dung phức tạp, mang tính chuyên ngành trong quá trình thẩm định chương trình, dự án hoặc kế hoạch đầu tư công.
Minh chứng trong thực tế, người dân hoàn toàn có thể tham gia đấu thấu và quản lý xây dựng công trình đầu tư công tại địa phương với 100% vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Đơn cử, tại công trình mương tưới tiêu tại thôn Bảo, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc tỉnh Hòa Bình, cộng đồng xây dựng kế hoạch và tham gia đấu thầu. Theo đó, họ bầu các thành viên ban giám sát đầu tư cộng đồng để quản lý và giám sát công trình, lập dự toán, tổ chức họp dân bàn bạc và thống nhất kế hoạch xây dựng, thuê thợ và chia sẻ công khai minh bạch các thông tin về tài chính với người dân của địa phương. Kết quả là, công trình được hoàn thành chất lượng tốt, đảm bảo nhu cầu sản xuất và tiêu ứng cho nông nghiệp và chi phí hiệu quả.
Trong khi đó cũng ở thôn này, trước đó huyện làm chủ đầu tư và thuê thợ về xây dựng hệ thống mương tưới tiêu cho thôn, nhưng sau khi nghiệm thu con mương thì gần như không sử dụng được, chỉ ít lâu sau khi hoàn thành nhiều chỗ đã bị vỡ, nứt, sụt và bục cả mảng lớn, nước không thoát ra được. Bởi, mương cao hơn đồng ruộng, không tưới được cho đồng và cũng khó tiêu úng trong mùa mưa.
Ông Đặng Mai Sơn, Phó bí thư tỉnh đoàn tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh, “khi có người dân tham gia công trình đảm bảo chất lượng hơn, họ có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng công trình, thi công mà người dân thì giảm được chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng tốt, có sự đồng thuận của người dân thì việc gì cũng có thể làm được. Cái gì xuất phát từ nhu cầu của người dân, lắng nghe người dân, có được sự đồng thuận của dân thì sẽ đạt hiệu quả cao”.
Trách nhiệm giảm trình "vòng vèo"
Tham chiếu đến dự thảo Luật đầu tư công, báo cáo chỉ ra, khái niệm “trách nhiệm giải trình” vẫn chưa được ghi nhận chính thức. Dự thảo Luật đã dành hẳn chương quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư công. Tuy nhiên, mối quan hệ giải trình giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phê duyệt, ra quyết định, quản lý và thực hiện, thanh tra… chưa được làm rõ.
Cụ thể, quy định (tại Mục 2 Chương V) về quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong đầu tư công, song chưa phân định được giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tổ chức, đặc biệt là khi để xảy ra các sai phạm trong hoạt động đầu tư công.
Thêm đó, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ nội dung giải trình về các vấn đề có liên quan trong phê duyệt chủ trương, các chương trình, dự án đầu tư công; lập thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công.
Nhóm tham vấn thực hiện báo cáo cũng cho biết, Dự thảo còn thiếu nhiều nội dung giải trình trong một số giai đoạn của hoạt động đầu tư công đồng thời chưa đề cập rõ về trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc chấp hành kế hoạch đầu tư công trước các cơ quan dân cử (Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp) và trước người dân (với vai trò là người thụ và là người đóng góp nguồn thu cho ngân sách.)
Từ thực trạng phân tích trên, nhóm tham vấn và tư vấn đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật đầu tư công.
Cụ thể, Báo cáo khuyến nghị chỉnh lý Điều 14 theo hướng mở rộng các nội dung công khai, quy định hình thức công khai và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị trong việc thực hiện công khai, minh bạch.
Dự thảo Luật bổ sung thêm nhiệm vụ “cung cấp thông tin, thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công; bổ sung hành vi vi phạm chế độ công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật vào các hành vi bị cấm trong đầu tư công; tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước và các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong các hoạt động đầu tư công.
Một đại diện tham gia trong nhóm tham vấn nhấn mạnh, “hoạt động tham vấn cộng đồng này đã phản ánh chân thực những trải nghiệm và nguyện vọng sâu sắc của người dân tại các địa phương nơi tiến hành tham vấn đối với các hoạt động đầu tư công.
Vì vậy, những khuyến nghị đưa ra trong Báo cáo được mong đợi là sẽ giúp các Đại biểu Quốc hội và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật đầu tư công trong quá trình thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.”
Theo vị đại diện này, việc phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng của người dân sẽ là một trong các điều kiện tiên quyết để Luật đầu tư công sau khi được thông qua có thể đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao./.