Ngày 12/3, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội nghị thảo luận xin ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Đầu tư công.
Theo đánh giá, việc quản lý đầu tư sử dụng vốn nhà nước hiện nay được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và các nghị định, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ...
Đặc biệt, Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đã khắc phục một bước các hạn chế về đầu tư công.
Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự hội nghị, đó mới là giải pháp cấp bách trước mắt, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong quản lý đầu tư công một cách toàn diện, có hệ thống. Vì vậy, việc ban hành Luật Đầu tư công là hết sức cần thiết.
Dự án Luật Đầu tư công đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vào tháng 10/2013 vừa qua và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào tháng Năm tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết thực tế việc quản lý đầu tư công trong thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế dẫn tới lãng phí, thất thoát. Có nhiều nguyên nhân khác nhau như do buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng bớt xén trong thi công... nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề này, dự thảo luật lần này đã xây dựng chi tiết quy trình quyết định chủ trương đầu tư.
Dự thảo luật đã dành trọn chương II để chế định các nội dung, quy trình, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.
Theo đó, về chủ trương đầu tư chương trình, dự thảo Luật Đầu tư công đã quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; điều kiện và trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với từng chương trình, dự án quan trọng quốc gia và các chương trình, dự án khác.
Đây là những quy định mới chưa được chế định trong các quy phạm pháp luật hiện hành, đặc biệt là nội dung về thẩm quyền và trình tự nghiêm ngặt quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án công.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng xây dựng những quy định mới nhằm tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn.
Hiện nay, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định vốn và cân đối vốn, quyết định các chương trình, dự án quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của cấp mình cũng như khả năng bổ sung vốn của cấp trên.
Vì vậy, việc quy định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng và hiệu quả của chương trình, dự án đầu tư công.
Tại hội nghị, các đại biểu đến từ các địa phương đã đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Đầu tư công tập trung vào các vấn đề như phân cấp thẩm quyền trong việc ra quyết định đầu tư và phê duyệt dự án, thẩm định dự án đầu tư, phân loại quy mô dự án nhóm A, B, C theo các tiêu chí, đặc biệt là cơ chế phân công, giám sát giữa Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân tại địa phương...
Trước những ý kiến đóng góp này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã yêu cầu cơ quan soạn thảo dự thảo luật khẩn trương tổng hợp để hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội vào ngày 15/3 tới./.