Sáng ngày 9/11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trồng trọt. Các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt.
[Luật Chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi công nghiệp, chuỗi khép kín]
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần giao cho cơ quan cụ thể chịu trách nhiệm đầu mối giúp Chính phủ quản lý về phát triển thị trường và thương mại sản phẩm cây trồng.
Trả lời phóng vấn bên lề Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh nhận định, hiện nay sản xuất phân tán, manh mún nhỏ lẻ cho nên khi bán rất tản mạn, phải quan tâm đến phát triển thị trường, dự báo thị trường, thông tin hướng dẫn cho nông dân làm sao sản xuất phải đáp ứng nhu cầu thị trường chứ không thể có tình trạnh sản xuất tự phát, chạy theo phong trào cuối cùng cung vượt cầu, thị trường không giải quyết đầu ra được, gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Còn đại biểu Trần Đình Gia, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh chỉ ra thực tế vẫn còn tình trạng gian lận thương mại như: sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất nông nghiệp theo kiểu "rau 2 luống, lợn 2 chuồng"... đây là những vấn đề cần phải được đưa vào dự án luật lần này để có giải pháp khắc phục.
Đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp cơ sở. Có những nội dung như: Phân bón, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, dịch vụ thương mại trong trồng trọt...cần phải quan tâm đến nội dung này bởi những cấp cơ sở mới gắn với quá trình tổ chức sản xuất hay thực hiện có thể trực tiếp phát hiện, xử lý.
Ông Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, phát triển thị trường và thương mại sản phẩm cây trồng là hoạt động liên quan đến trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành được quy định trong nhiều luật như Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật... Do vậy, trong dự thảo Luật Trồng trọt chỉ quy định các nội dung của phát triển thị trường và thương mại sản phẩm trồng trọt, còn việc phân công trách nhiệm cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định để phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các Bộ trong từng thời kỳ.
Dự thảo Luật Trồng trọt quy định quản lý chặt chẽ cây trồng chính thông qua việc cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng, cấm sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng chưa được cấp quyết định lưu hành. Dự thảo quy định công nhận đặc cách giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính là giống đặc sản, giống đã tồn tại lâu năm tại một số địa phương nhằm khôi phục và phát triển các giống bản địa, giải quyết các tồn tại trong quản lý giống cây trồng chính các năm trước đây, bảo đảm các giống cây trồng chính đều được quản lý chẽ, lưu hành hợp pháp.
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cho rằng, Việt Nam có những giống đặc thù vì vậy phải khai thác những tiềm năng về đa dạng sinh học những giống cây, hoa quả, giống lúa qua đó lựa chọn những giống tốt để bảo quản và nhân rộng kèm theo kỹ thuật canh tác. Phải ứng dụng những công nghệ để lai tạo những giống mới bảo đảm ổn định trong thời gian lâu dài vừa nâng cao được năng suất và chất lượng.
“Tôi nghĩ giá trị gia tăng trong lĩnh vực cây trồng phụ thuộc nhiều về độ ngon, hình thức, an toàn vệ sinh thực phẩm vì vậy phải quan tâm đến sản phẩm nông nghiệp kỹ càng thì xuất khẩu mới đạt hiệu quả cao,” đạo biểu Nghiêm Vũ Khải nói.
Theo đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, hệ thống các chính sách là đòn bẩy tạo ra động lực để phát triển trồng trọt có hiệu quả. Trong dự thảo luật thiết kế nhiều chính sách, tuy nhiên quan trọng là việc bố trí nguồn lực như thế nào trong triển khai cũng như các điều kiện, thủ tục thuận lợi để các tổ chức và nông dân tiếp cận được chính sách mới là quan trọng./.