Quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các chuyến thăm cấp cao và các hoạt động hữu nghị, hợp tác ngày càng được tăng cường giữa Việt Nam và Pháp cho thấy hai nước đã gác lại quá khứ, cùng nhau xây dựng quan hệ hướng về tương lai.
Đây là những nội dung chính trong bài trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Paris của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn về quan hệ Việt-Pháp và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp nhân dịp Xuân Ất Mùi.
Đánh giá về quan hệ giữa Việt Nam và Pháp vào thời điểm hiện nay và các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn các mối quan hệ tốt đẹp vốn có, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho biết quan hệ đối tác chiến lược được ký tháng 9/2013 nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là bước cụ thể hóa quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo Việt Nam và Pháp mong muốn đưa quan hệ hai nước bước sang một giai đoạn mới, hiệu quả hơn, sâu sắc hơn, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về phát triển và đối ngoại của mỗi nước.
Quan hệ giữa Việt Nam với Pháp hiện nay phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật và quốc phòng. Để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ toàn diện này, trước hết hai nước cần tăng cường việc trao đổi đoàn các cấp, các ngành, trong đó đặc biệt chú trọng các chuyến thăm cấp cao, nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa hai bên.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Hollande, dự kiến diễn ra trong năm nay, sẽ là sự kiện quan trọng, đánh dấu "độ chín" của mối quan hệ giữa hai nước.
Thứ hai, duy trì đều đặn các cơ chế đối thoại hiện có, cụ thể như Đối thoại kinh tế cấp cao, Đối thoại chiến lược về ngoại giao - quốc phòng, Ủy ban hỗn hợp hợp tác quốc phòng... Cần liên tục cải tiến nội dung của các cơ chế này theo hướng trao đổi thực chất, thẳng thắn, trên cơ sở có độ tin cậy cao giữa hai bên, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định của tất cả mọi quốc gia.
Thứ ba, chú trọng đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thông qua việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường của nhau; khuyến khích các hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên của hai nước như năng lượng, hạ tầng, môi trường, y tế, hàng không vũ trụ, an ninh, quốc phòng ...
Thứ tư, mở rộng hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, giúp Việt Nam tiếp cận với kiến thức và công nghệ cao của thế giới và của Pháp, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời trực tiếp phục vụ hợp tác Việt-Pháp.
Hai nước hiện đã có nền tảng rất tốt là Trường Đại học khoa học công nghệ Hà Nội, hợp tác giữa các trường đại học trong khuôn khổ Đại học Pháp ngữ (AUF) và trên 7.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang học tập tại Pháp. Đây sẽ là nguồn nhân lực có chất lượng cao của Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, hai nước sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực hành chính công, tư pháp, thủy đạc, đào tạo nghề...
Thứ năm, thúc đẩy hợp tác giao lưu văn hóa, truyền thông, giao lưu nhân dân, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Thành công to lớn của năm giao lưu Việt-Pháp 2013-2014, với sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các cơ chế hợp tác, chính quyền các cấp đã tạo ra một xung lực mới cho quan hệ hai nước. Xung lực này cần được nuôi dưỡng và phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác phi tập trung, mô hình hợp tác trực tiếp giữa 50 địa phương của hai nước, với hàng trăm dự án các loại, đã và đang được triển khai từ hai chục năm qua. Các dự án này thường có hiệu quả cao do bám sát thực tiễn và có cơ chế đánh giá định kỳ. Các địa phương hai nước đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 10 về hợp tác phi tập trung Việt-Pháp, sẽ diễn ra tại Thành phố Cần Thơ vào năm 2016.
Đây là những hướng chính cần tập trung thúc đẩy để đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, tương xứng với khuôn khổ đối tác chiến lược mà hai bên đã thiết lập.
Về những lý do khiến đầu tư của các doanh nghiệp Pháp vào Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng hợp tác kinh tế Việt Nam-Pháp đã có đầy đủ cơ sở nền tảng pháp lý vững chắc để phát triển bền vững.
Hai nước đã ký hầu hết các hiệp định cần thiết như hiệp định khung về hợp tác kinh tế, hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế trùng và hàng loạt hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể. Pháp hiện là đối tác kinh tế châu Âu hàng đầu của Việt Nam với 3,3 tỷ euro đầu tư; 3,1 tỷ euro trao đổi thương mại hai chiều và là nhà tài trợ châu Âu lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, quan hệ kinh tế, thương mại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và chất lượng quan hệ chính trị giữa hai nước. Trên thực tế, các nhà đầu tư và doanh nghiệp Pháp đã có mặt ở Việt Nam từ rất sớm và đã thực hiện nhiều dự án quan trọng về hạ tầng, năng lượng, dịch vụ...
Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, thu hút mạnh đầu tư và trao đổi thương mại của các đối tác mới, nhất là từ các nước mới nổi và các nước láng giềng, thì dường như các doanh nghiệp Pháp chưa có sự điều chỉnh thích đáng để thích ứng với môi trường cạnh tranh mới ở Việt Nam. Thêm vào đó, khủng hoảng kinh tế thế giới và châu Âu, những khác biệt về trình độ phát triển, rào cản ngôn ngữ, thể chế... vẫn là những khó khăn đáng kể.
Theo Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn, tình hình đang có nhiều thay đổi. Việt Nam ngày nay có thu nhập bình quân cao gấp 20 lần so với năm 1990, có nhu cầu đầu tư lớn về hạ tầng trong những năm tới, trong đó có rất nhiều lĩnh vực Pháp có thế mạnh.
Môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đã và đang thay đổi rất nhanh chóng, với triển vọng ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với việc sửa đổi Luât Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay... Những yếu tố đó sẽ tạo nên những cơ hội mới cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Pháp.
Đại sứ cũng bày tỏ tin tưởng với hơn 300.000 người Việt Nam sinh sống tại Pháp, hơn 7.000 sinh viên, thực tập sinh đang học tập tại đây và với triển vọng tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam, sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp sẽ diễn ra trong một tương lai không xa.
Đánh giá việc hòa nhập với nước sở tại của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho biết cộng đồng người Việt Nam tại Pháp là một cộng đồng hòa nhập sâu vào xã hội sở tại, phần đông là trí thức và là cộng đồng có bề dày truyền thống yêu nước.
Truyền thống đó được thể hiện ngay từ khi các nhà cách mạng tiền bối sang Pháp tìm đường cứu nước, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và lan tỏa cho tới thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.
Thông qua việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thông qua những đóng góp về tri thức, những dự án hợp tác đầu tư, từ thiện ở trong nước, Việt kiều tại Pháp đã có những đóng góp to lớn đối với đất nước. Họ thực sự là cầu nối, là sứ giả quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè Pháp.
Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh năm 2015 là năm hai nước bước vào triển khai cụ thể quan hệ đối tác chiến lược, do vậy bà con kiều bào tại Pháp sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ mới này./.