Dừa sáp Cầu Kè gặp khó khăn do xã viên không giữ cam kết

Ban quản lý Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh lại tiếp tục rơi vào tình cảnh khó khăn vì một số xã viên đã lén bán dừa sáp với giá cao, không giữ chữ tín làm sai hợp đồng.

Hơn một tháng nay, Ban quản lý Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh lại tiếp tục rơi vào tình cảnh khó khăn vì một số xã viên đã lén bán dừa sáp với giá cao, không giữ chữ tín làm sai hợp đồng với doanh nghiệp​.

Tình trạng xã viên “bẻ kèo” đã khiến Ban quản lý Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân không dám ký kết hợp đồng cung ứng nhiều, đặc sản dừa sáp Cầu Kè mất đi cơ hội mở rộng thị trường.

Ông Thạch Phu My, Giám đốc Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân cho biết, hợp tác xã có 20 xã viên, với diện tích dừa sáp cho trái trên 20ha (tương đương 5.000 cây dừa). Hợp tác xã còn thực hiện sản xuất, kinh doanh cung cấp trái dừa sáp giống.

Hiện Hợp tác xã ký kết hợp đồng với một doanh nghiệp ngoài tỉnh cung ứng trực tiếp hàng tháng 500​-700 trái dừa sáp, với giá cố định 120.000 đồng/trái. Với giá bán này, người trồng dừa sáp có lợi nhiều.

Tuy vậy, mỗi dịp lễ hội, nhu cầu dừa sáp tăng nên giá cũng tăng theo lên tới 160.000-200.000 đồng/trái, nhiều xã viên lén bán dừa sáp cho các thương lái bên ngoài.

Với tình trạng như thế, Ban quản lý Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân không dám ký kết hợp đồng cung ứng dừa sáp với sản lượng nhiều, mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp đề nghị.

Ông Phạm Thanh Toàn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết, toàn huyện Cầu Kè hiện có hơn 34.000 cây dừa sáp.

Trong số này có gần 20.000 cây đang cho trái, với sản lượng 450.000​-500.000 trái dừa sáp/năm. Diện tích dừa sáp tập trung nhiều trên địa bàn xã Hòa Tân, với trên 26.000 cây và có 70% số cây đang cho trái.

Sản lượng dừa sáp ở huyện tuy nhiều, nhưng thời gian qua luôn gặp khó khăn trong khâu liên kết với doanh nghiệp trong thu mua bao tiêu vì nhiều người dân thường làm sai hợp đồng khi giá dừa sáp tăng cao.

Người dân chưa nhận thức được lợi ích khi liên kết cùng doanh nghiệp đảm bảo sự ổn định về đầu ra, thương hiệu dừa sáp Cầu Kè được mở rộng ra thị trường trong nước và cả xuất khẩu.

Khi đó, nông dân trồng dừa sáp không phải lo giá giảm, yên tâm mở rộng diện tích trồng dừa sáp của gia đình.

Dừa sáp ở huyện Cầu kè từ lâu nổi tiếng là đặc sản. Đặc điểm chung của cây dừa sáp chính là tính kén đất, hiếm trái. Bình quân, một cây dừa sáp cho trái sáp với tỷ lệ từ 25-30%, còn lại là trái dừa bình thường.

Năm 2013, trái dừa Sáp của xã Hòa Tân​, huyện Cầu Kè được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu hàng hóa; được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam và chính thức trở thành thương hiệu độc quyền trên toàn quốc.

Có được lợi thế là trái ngon độc nhất vô nhị, thế nhưng cho đến nay dừa sáp Cầu Kè vẫn chưa ổn định về mặt giá cả và vươn xa được ở thị trường trong nước. Giá dừa sáp có lúc lên 200.000 đồng/trái, nhưng cũng có lúc giảm xuống 90.000 đồng/trái.

Không phải dừa sáp Cầu Kè không có điều kiện để vươn xa trên thị trường, mà là do nhiều nông dân không chịu giữ chữ tín, tự mình xây “rào cản” cho chính sản phẩm của mình làm ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục