Đưa vào khai thác công trình điện Mặt Trời mái nhà tại Tân Sơn Nhất

Công trình được lắp đặt trên hệ thống nhà kho của Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn trên tổng diện tích hơn 7.500 m2, do Công ty CME làm chủ đầu tư.
Đưa vào khai thác công trình điện Mặt Trời mái nhà tại Tân Sơn Nhất ảnh 1Những tấm pin trên công trình điện mặt trời mái nhà SCSC - CMES công suất 1,1 MWp. (Nguồn: giaoduc.net.vn)

Ngày 15/1, Công ty Năng lượng Copper Mountain Energy (CME) cho biết, đơn vị và Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCSC) đã đưa vào khai thác công trình điện Mặt Trời mái nhà với công suất lắp đặt 1,1 MWp tại cảng hàng hóa sân bay Tân Sơn Nhất.

Đây là công trình điện năng lượng tái tạo đầu tiên triển khai lắp đặt trong hệ thống sân bay Việt Nam và lớn nhất tại khu vực nội đô Thành phố Hồ Chí Minh.

Công trình được lắp đặt trên hệ thống nhà kho của Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn trên tổng diện tích hơn 7.500 m2, do Công ty CME làm chủ đầu tư.

Đây là giai đoạn 1 của kế hoạch năng lượng xanh hợp tác giữa hai đơn vị. Dự án cung cấp 1,5 triệu kWh điện/năm, chủ động đáp ứng 40% nhu cầu điện của SCSC, tiết giảm khoảng 15% chi phí năng lượng và giảm phát thải 1,5 tấn CO2. Doanh nghiệp sẽ mở rộng khai thác giai đoạn 2 để đạt mức sản lượng 100% là năng lượng sạch.

[Doanh nghiệp mong mỏi chính sách mới về cơ chế đối với điện Mặt Trời]

Công trình cũng đáp ứng chất lượng kiểm định khắt khe của AFRY (Thụy Điển) - đơn vị tư vấn giám sát hàng đầu thế giới trong ngành năng lượng tái tạo về kết cấu kỹ thuật, xây dựng và môi trường.

Ông Bùi Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty Năng lượng Copper Mountain Energy cho biết, hệ thống được triển khai theo mô hình “trách nhiệm trọn gói,” bao gồm chi phí đầu tư, lắp đặt và vận hành dự án đều do công ty chịu trách nhiệm và triển khai thực hiện.

Với đặc thù của một dự án năng lượng phục vụ cho hệ thống kho cảng trong hệ thống hạ tầng của sân bay Tân Sơn Nhất, đòi hỏi chủ đầu tư phải chú trọng đến việc thiết kế thi công đảm bảo chất lượng, an toàn và an ninh cao nhất.

Hiện nhu cầu sử dụng điện của Công ty SCSC khoảng 3,7 triệu kwh/năm. Do đó, việc đưa nguồn năng lượng điện trên mái nhà vào khai thác dự kiến sẽ tiết kiệm cho SCSC 1,5 tỷ đồng/năm và khoảng 1,4 triệu USD trong 25 năm sử dụng; cùng lúc sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận hành.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng giám đốc SCSC cho biết, công ty định hướng phát triển trở thành nhà ga hàng hóa hàng không kiểu mẫu tại Việt Nam và khu vực, nhanh chóng ứng dụng năng lượng tái tạo, khai thác diện tích mái trống hiện có để tiết kiệm chi phí năng lượng, bổ sung doanh thu và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm, bảo vệ môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.