Đức "bật đèn xanh" đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về bán máy bay Eurofighter

Với kế hoạch mua 40 máy bay tiêm kích Eurofighter, Thổ Nhĩ Kỳ đã đàm phán thương vụ này với Anh và Tây Ban Nha từ năm ngoái, sau đó cũng đã thuyết phục được Đức tham gia đàm phán thương vụ này.

Máy bay chiến đấu Eurofighter tại căn cứ không quân ở Neuburg, Đức, ngày 26/2/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Máy bay chiến đấu Eurofighter tại căn cứ không quân ở Neuburg, Đức, ngày 26/2/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Đức sẽ không phản đối việc khởi động các cuộc đàm phán kỹ thuật với Thổ Nhĩ Kỳ về việc bán máy bay phản lực Eurofighter.

Kênh truyền hình Ahaber của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11/10 đưa tin một phái đoàn gồm các nhà đàm phán đến từ Đức, Italy, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh đã đến Thổ Nhĩ Kỳ và bắt đầu các cuộc đàm phán kỹ thuật, dự kiến kéo dài trong 3 tuần.

Với kế hoạch mua 40 máy bay tiêm kích Eurofighter, Thổ Nhĩ Kỳ đã đàm phán thương vụ này với Anh và Tây Ban Nha từ năm ngoái, sau đó được cho là nhờ sự trợ giúp của London cũng đã thuyết phục được Đức tham gia đàm phán thương vụ này.

Hồi tháng 5/2024, trong cuộc trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler khẳng định, Ankara vẫn "quan tâm" tới máy bay Eurofighter Typhoon do Anh, Tây Ban Nha, Đức cùng Italy hợp tác phát triển. Tuy nhiên, có "một số vấn đề" mà Đức và Thổ Nhĩ Kỳ - hai thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) còn bất đồng.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua các máy bay Eurofighter nhằm đa dạng hóa kho vũ khí, giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.