Đức đạt thặng dư thương mại cao nhất thế giới trong năm 2014

Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, có trụ sở tại thành phố München, công bố số liệu cho thấy thặng dư thương mại của Đức năm 2014 đạt 220 tỷ euro - cao nhất trên thế giới.
Đức đạt thặng dư thương mại cao nhất thế giới trong năm 2014 ảnh 1Thặng dư thương mại của Đức năm 2014 đạt 220 tỷ euro. (Ảnh: AFP)

Kinh tế Đức đón nhận tin vui trong ngày 2/2 khi Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, có trụ sở tại thành phố München, công bố số liệu cho thấy thặng dư thương mại của Đức năm 2014 tiếp tục tăng, hiện đạt 220 tỷ euro (248,6 tỷ USD) - cao nhất trên thế giới, so với 170 tỷ euro (159,2 tỷ USD) của Trung Quốc và 100 tỷ euro (113 tỷ USD) của quốc gia xuất khẩu dầu mỏ Saudi Arabia.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu của Ifo cho biết thặng dư kim ngạch thương mại của quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu này trong năm 2014 tăng thêm 30 tỷ euro, chủ yếu nhờ tăng giá trị trao đổi, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và hỗ trợ phát triển.

Riêng các nước ngoài Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đem lại cho Đức khoản thặng dư 170 tỷ euro (159,2 tỷ USD).

Theo Ifo, con số thặng dư nêu trên tương đương 7,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GPD) của Đức trong năm 2014 và dự báo sẽ tăng lên 8% GDP trong năm 2015, hay 240 tỷ euro, vượt xa so với mức 190 tỷ euro đạt được trong năm 2013.

Ifo cho rằng có nhiều lý do giải thích cho việc Đức đạt thặng dư thương mại cao trên thế giới. Trước hết là triển vọng kinh tế tươi sáng hơn so với những nước có nhu cầu nhập khẩu cao như Mỹ và Anh, đồng thời Đức giảm được chi phí nhập khẩu dầu mỏ đáng kể do giá mặt hàng chiến lược này giảm mạnh giai đoạn cuối năm qua.

Ngoài ra, đồng euro yếu và hiệu quả từ kế hoạch nới lỏng định lượng của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng là những lý do hỗ trợ.

Việc Đức đạt thặng dư thương mại cao kỷ lục tuy nhiên nhận được nhiều sự chỉ trích từ phía Liên minh châu Âu (EU), cho rằng Đức đã không nỗ lực làm giảm sự mất cân đối trên toàn cầu.

Thặng dư thương mại (xuất siêu) là một trong những chỉ số đánh giá sự phát triển và khả năng sinh lời của một nền kinh tế, thể hiện sự vượt trội của kim ngạch xuất khẩu so với nhập khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.