Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz ngày 31/3 (giờ địa phương) cho biết Chính phủ Đức đang lên kế hoạch hỗ trợ các công ty trong nước khi chuyển sang sản xuất các sản phẩm y tế như khẩu trang y tế.
Theo ông Scholz, Đức cần phải chủ động trong việc sản xuất các thiết bị y tế để đáp ứng nhu cầu trong nước trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp. Hiện tại, khá nhiều công ty chế tạo Đức sẵn sàng chuyển sang sản xuất thiết bị y tế.
Ông Scholz nhấn mạnh rằng Chính phủ Đức đang đưa ra "các cam kết tài chính cần thiết để các doanh nghiệp, ở một mức độ nhất định, có thể chấp nhận rủi ro khi chuyển đổi hoạt động sản xuất sang các sản phẩm có thể không nằm trong chiến lược sản xuất-kinh doanh dài hạn của họ."
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer ngày 1/4 cho hay trong tương lai, Đức sẽ cần xây dựng và ban hành một đạo luật nhằm "đảm bảo nguồn cung thiết bị y tế và dược phẩm" cho thị trường trong nước, nhất là các sản phẩm y tế như khẩu trang và dược phẩm.
Theo ông Seehofer, Đức cần phải thông qua một đạo luật đảm bảo các dịch vụ y tế cơ bản ở nước này cũng như xây dựng kho dự trữ quốc gia về thiết bị y tế và dược phẩm.
Ông Seehofer cho rằng điều này có nghĩa sống còn đối với nước Đức trong tình huống khủng hoảng y tế nghiêm trọng xảy ra.
[Giới chuyên gia: Kinh tế Đức không tránh khỏi nguy cơ suy thoái]
Trong khi đó, việc các hộ gia đình Đức tăng cường đi mua các mặt hàng thiết yếu để tích trữ trước khi các biện pháp phong tỏa và cách ly được triển khai đã khiến doanh thu bán lẻ tại quốc gia này trong tháng 2/2020 vượt xa dự đoán.
Các số liệu chính thức từ Văn phòng Thống kê Đức được công bố ngày 1/4 cho thấy, doanh thu bán lẻ của Đức trong tháng Hai năm nay đã tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2019, vượt xa dự báo của các nhà phân tích là tăng 1,5%. Trong khi đó, so với tháng Một, doanh thu bán lẻ trong tháng Hai tăng 1,2%.
Nhu cầu mua sắm tăng đột biến của các hộ gia đình trước khi Chính phủ áp đặt những biện pháp hạn chế đi lại và cách ly, kiểm dịch cũng dẫn tới thực trạng thiếu hụt giấy vệ sinh trên toàn quốc.
Văn phòng Thống kê Đức cho biết doanh số bán lẻ trên mọi lĩnh vực nhìn chung đều tăng trong tháng 2/2020, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, với doanh thu cao hơn 7,8% so với tháng 2/2019.
Các siêu thị là những đối tượng hưởng lợi lớn khi doanh thu tăng 8,3%, so với mức tăng tương ứng 3,5% của các cửa hàng bán lẻ chuyên doanh.
Doanh thu từ các mặt hàng phi thực phẩm cũng tăng mạnh 5,6% so với tháng 2/2019. Các dịch vụ trực tuyến và giao hàng cũng tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ, với doanh thu tăng 11% so với cùng kỳ năm trước đó.
Trong khi đó, những số liệu ấn tượng của thị trường bán lẻ là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế của Đức thời gian qua, vốn đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo số liệu của Viện Robert Koch (RKI) ngày 1/4, trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 149 ca tử vong do COVID-19 và 5.453 ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm ở Đức hiện là 67.366 và số ca tử vong là 732.
Ngân hàng Đức Deutsche Bank dự báo dịch COVID-19 sẽ gây thiệt hại cho nước Đức tới 1.500 tỷ euro, bất chấp việc Thượng viện Đức đã thông qua gói cứu trợ 1.100 tỷ euro do dịch bệnh này.
Trước đó, ngày 30/3, nhóm chuyên gia kinh tế của Chính phủ Đức đưa ra dự báo rằng nền kinh tế đầu tàu châu Âu có thể suy giảm từ 2,8-5,4% trong năm nay, trước khi phục hồi vào năm 2021./.