Đức Hải: “Nghệ sỹ diễn cho thiếu nhi phải đa năng”

Đức Hải vẫn nhận mình là người nghệ sỹ có duyên với trẻ thơ và anh bảo: “Muốn thu hút được trẻ nhỏ thì người nghệ sỹ phải… đa năng!”
Đi cùng điệu cười khà khà đầy vẻ khoái chí, Nghệ sỹ ưu tú Đức Hải khua chân múa tay liên tục. Giọng sang sảng liên hồi, anh hào hứng, say sưa chia sẻ về những câu chuyện xung quanh việc làm nghệ thuật phục vụ thiếu niên, nhi đồng. Đức Hải vẫn nhận mình là người nghệ sỹ có duyên với trẻ thơ và anh bảo: “Muốn thu hút được trẻ nhỏ thì người nghệ sỹ phải… đa năng!” "Nam tiến" để... rong chơi- Sau hơn 10 năm "Nam tiến," bỗng dưng anh “tái xuất” cùng khán giả Thủ đô với một vở diễn dài “Câu chuyện thiên nga” dành cho thiếu nhi do chính mình dàn dựng và đóng vai chính; chắc hẳn phải có lý do đặc biệt?NSƯT Đức Hải: Đúng là khá lâu rồi, tôi mới diễn một vở dài dành cho lứa tuổi thiếu nhi ở Hà Nội. Thực tế, khi có dịp, tôi vẫn ra Bắc diễn phục vụ khán giả nhưng thường chỉ tham gia vào các tiểu phẩm ngắn có thời lượng khoảng 15 phút. Việc dựng “Câu chuyện thiên nga,” thực chất, tôi cũng không có lý do gì quá đặc biệt! Từ nhiều năm nay, cá nhân tôi luôn đau đáu về việc làm một chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi một cách đúng nghĩa. Lần này, tôi đã hiện thực hóa được mong muốn bấy lâu của mình. - Vậy thế nào là vở diễn dành cho thiếu nhi một cách đúng nghĩa, theo quan điểm của anh?NSƯT Đức Hải: Theo quan điểm cá nhân tôi, một vở diễn cho thiếu nhi trước hết cần đảm bảo ba yếu tố: Thứ nhất, về mặt thời lượng, vở diễn không nên quá dài. Nó chỉ nên diễn ra trong khoảng từ 60 đến 90 phút là vừa. Thứ hai, nội dung vở diễn phải mạch lạc, rõ ràng, trong sáng. Đã là diễn cho thiếu nhi thì không thể dùng cách nói ẩn ý, để các nhân vật phát ngôn theo kiểu nói xấu lẫn nhau. Yếu tố thứ ba vô cùng quan trọng, đó là: Những nghệ sỹ tham gia phải thực sự tâm huyết và có tình yêu với trẻ em. Có như vậy thì họ mới có thể đưa đến những sản phẩm tốt phục vụ các em. Chính tình yêu với con trẻ là động lực lớn nhất thôi thúc tôi tham gia vào các vở diễn cho thiếu nhi. - Tình yêu với con trẻ luôn thường trực. Vậy tại sao đến thời điểm này anh mới trở lại Hà Nội để thực hiện một chương trình nghệ thuật hài kịch dài cho thiếu nhi?NSƯT Đức Hải: Đây là vấn đề không phải của riêng tôi mà còn của rất nhiều đồng nghiệp khác. Đã là nghệ sỹ thì ai cũng muốn được diễn liên tục. Thế nhưng, nguồn kinh phí để dàn dựng các chương trình nghệ thuật lại chỉ có hạn. Khi không có nguồn tài trợ thì dù khao khát đến mấy, chúng tôi cũng không thể dựng vở. Việc dàn dựng một vở diễn dài đòi hỏi đầu tư kinh phí rất tốn kém. Đặc biệt, dựng vở cho thiếu nhi càng tốn kém hơn. Nó đòi hỏi việc đầu tư dàn dựng sân khấu sinh động, trang phục màu sắc hơn so với các vở diễn cho người lớn. Thời gian trước, quá trình xã hội hóa của sân khấu miền Bắc diễn ra khá chậm; chủ yếu các nhà hát, đơn vị nghệ thuật dựng vở dựa vào nguồn kinh phí nhà nước cấp. Trong khi đó, nguồn kinh phí này lại khá hạn chế. Bởi thế, sân khấu miền Bắc bị chững lại khá rõ nét suốt một thời gian. Bây giờ, mô hình hoạt động của sân khấu miền Bắc đã “mở” hơn. Các đơn vị tổ chức biểu diễn tự tính toán việc thu-chi để mời đạo diễn, biên kịch dựng vở. Số lượng và chất lượng vở diễn đều tăng lên. Người nghệ sỹ có nhiều cơ hội hơn để sáng tạo tác phẩm. - Nói như thế thì việc anh “Nam tiến” là vì ở miền Bắc không có đất diễn?NSƯT Đức Hải: Đó lại là câu chuyện khác! Thời điểm đó, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh mời tôi vào làm giảng viên. Lúc đầu, tôi vào với suy nghĩ rằng đó là một chuyến để khám phá cuộc sống. Nhưng không ngờ là “chơi” quá lâu, xây dựng gia đình rồi “chơi” luôn và ngày càng cắm rễ sâu hơn. Thế nhưng, nhìn lại, Sài Gòn cũng cho tôi nhiều thứ. Tôi học được phong cách làm việc với nhịp độ rất nhanh. Việc xã hội hóa làm cho mình ngộ ra nhiều điều: Mình không bị phụ thuộc vào việc chờ đợi ngân sách, có ngân sách cấp xuống thì mới dựng vở. Tất cả nghệ sỹ đều phải chủ động, làm để tồn tại.

Các vở diễn cho thiếu nhi đòi hỏi sự đầu tư lớn về trang phục, sân khấu (Ảnh minh họa: NHTT)
Nghệ sỹ đa năng- Mấy chục năm diễn cho thiếu nhi, đã bao giờ anh thấy chán?NSƯT Đức Hải: Thực sự là không! Cứ lên sân khấu, nhìn thấy cácbạn nhỏ hò reo là tôi thấy hứng. Diễn cho người lớn, đôi khi còn thấymệt chứ diễn cho thiếu nhi, lúc nào Đức Hải cũng thấy rất vui. Nhìn cácem cười thích thú, hưởng ứng vai diễn của mình, mọi sự mệt mỏi tan biếnrất nhanh, không cần uống nước sâm sau buổi diễn mà vẫn thấy rất khỏekhoắn (cười)! Khi nào còn sức thì tôi còn tiếp tục làm những chương trình cho thiếunhi. Điều tôi tiếc nhất là ở Việt Nam chưa có nhà hát chuyên nghiệp nàodành cho thiếu nhi. - Thế nhưng, tư duy của trẻ em rất khác so với người lớn. Vậy làm sao anh để dung hòa được điều này trong những vở diễn mà anh dàn dựng hoặc tham gia diễn xuất?NSƯT Đức Hải: Đây luôn là một thách thức lớn đối với tất cả các nghệ sỹ diễn cho thiếu nhi. Có một điều mà tôi luôn coi là “kim chỉ nam” khi làm các tác phẩm cho thiếu nhi: Tuyệt đối không được áp đặt suy nghĩ của người lớn cho trẻ em, mình phải đặt mình vào vị trí của các em để tưởng tượng thì mới có thể suy nghĩ, tưởng tượng được. Ví dụ, khi tôi dàn dựng cảnh một cô công chúa lạc trong rừng giữa đêm mưa tuyết, tôi phải tự đặt mình vào vị trí các em nhỏ rồi tưởng tượng cảm xúc của các em khi đó sẽ như thế nào? Đa phần, các em nhỏ sẽ rất thương cô công chúa. Rất ít trường hợp các em nhỏ nghĩ rằng “sân khấu đấy, không phải thật đâu.” Đó là cách suy nghĩ của người lớn. Từ đó, tôi sẽ viết những câu thoại cho diễn viên dưới dạng câu hỏi, kiểu như “Bây giờ, mình phải làm gì đây, các bạn nhỏ ơi?” để tạo ra sự tương tác giữa diễn viên với khán giả ở bên dưới. Cách làm này sẽ cuốn hút khán giả nhí vào diễn biến câu chuyện trên sân khấu hơn. - Dù vậy, việc tưởng tượng ra những suy nghĩ, phản ứng của trẻ em cũng có thể sai lắm chứ?NSƯT Đức Hải: Điều đó là tất nhiên! Để hạn chế được sai sót, tôi sẽ làm phép thử. - Anh thử bằng cách nào?NSƯT Đức Hải: Tôi thử với chính các con của mình trước! Với những đoạn cần thử phản ứng của trẻ, tôi sẽ cho các cháu đọc kịch bản để xem, trong trường hợp đó, cháu có nghĩ đúng như vậy không. Từ đó, tôi sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn. - Thế khi đứng ở góc độ của một diễn viên, anh có “bí quyết” gì để kéo khán giả nhí đến với mình?
NSƯT Đức Hải: Thực ra, việc diễn cho thiếu nhi phụ thuộc vào cái duyên của từng người. Từ thực tế làm nghề, tôi thấy rằng, để thu hút được các em nhỏ thì nghệ sỹ phải đa năng. Khi bước lên sân khấu, anh ta không đơn thuần chỉ là diễn kịch mà còn phải biết nhảy múa, ca hát… Như thế, không khí mới sôi động và các em nhỏ mới thích. Người diễn viên phải khiến được cho khán giả nhí cùng đứng lên nhảy múa, hát ca và tham gia vào vở diễn thì mới gọi là thành công. Bạn thấy đấy, việc diễn cho thiếu nhi không hề đơn giản! - Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị./.
Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục