Hàng chục nghìn người biểu tình ở sáu thành phố của Đức đã tập trung trong ngày 22/10 để yêu cầu các quỹ của chính phủ phân phối công bằng hơn nhằm đối phó với giá năng lượng cao, chi phí sinh hoạt tăng và chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch nhanh hơn.
Những người biểu tình tuần hành ở Berlin, Duesseldorf, Hannover, Stuttgart, Dresden và Frankfurt-am-Main, cầm những tấm biển có khẩu hiệu từ giảm lạm phát đến cắt điện hạt nhân và trợ cấp giá năng lượng nhiều hơn cho người nghèo.
[Đức sẽ có "các bước" nhằm đảm bảo giá năng lượng không tăng quá mức]
Theo Greenpeace, một trong những nhà tổ chức biểu tình, có khoảng 24.000 người đã tham gia tuần hành.
Cảnh sát cho biết khoảng 1.800 người biểu tình đã tụ tập ở Berlin.
Andrea Kocsis, Phó chủ tịch ver.di, một trong những công đoàn tổ chức các cuộc biểu tình, cho biết việc hỗ trợ tài chính cho những công dân để cân bằng về mặt xã hội là rất cần thiết. Chính phủ đang làm rất nhiều nhưng mức mà họ đang hỗ trợ vẫn thấp. Những người có thu nhập thấp cần được hỗ trợ nhiều hơn những người giàu có.
Quốc hội Đức hôm 21/10 đã thông qua gói cứu trợ 200 tỷ euro (195 tỷ USD) của chính phủ nhằm bảo vệ các công ty và hộ gia đình trước tác động của giá năng lượng tăng cao.
Gói này bao gồm trả một lần để chi hóa đơn khí đốt hàng tháng cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cơ chế hạn chế tăng giá từ tháng 3/2022.
Gói hỗ trợ cũng sẽ giúp giới hạn giá điện cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp từ tháng 3/2022 đối với giá giao ngay và từ tháng 12/2022 đối với giá kỳ hạn, với nguồn vốn bổ sung được rút ra từ lợi nhuận của các công ty điện.
Lạm phát của Đức trong tháng 9/2022 đạt mức cao nhất trong hơn 25 năm, ở mức 10,9% do chi phí năng lượng tăng cao./.