Đức hỗ trợ BioNTech 445 triệu USD để nghiên cứu vắcxin ngừa COVID-19

BNT162 là một trong 3 chương trình vắcxin được nhận tài trợ trong gói 750 triệu euro của Chính phủ Đức nhằm tăng năng lực sản xuất tại Đức và tăng số người liên quan đến thử nghiệm giai đoạn cuối.
Nghiên cứu và sản xuất vắcxin phòng COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nghiên cứu và sản xuất vắcxin phòng COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/9, công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức cho biết đã nhận được 375 triệu euro (khoảng 445 triệu USD) từ quỹ tài trợ của chính phủ nhằm đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời tăng năng lực sản xuất vắcxin này tại Đức.

BioNTech cùng các đối tác Pfizer Inc và tập đoàn dược phẩm Fosun Thượng Hải của Trung Quốc là những nhà bào chế vắcxin thử nghiệm hàng đầu thế giới hiện nay, dựa trên các tế bào mang vật chất di truyền tổng hợp của virus SARS-CoV-2, còn gọi là RNA (mRNA).

BioNTech có trụ sở tại Mainz, thành lập năm 2008 và niêm yết trên thị trường chứng khoán Nasdaq từ năm ngoái. Công ty đã được tài trợ số tiền trên khi đệ đơn tham gia cơ chế mà Bộ trưởng Nghiên cứu Đức Anja Karliczek công bố hồi tháng 7, và quyết định sử dụng số tiền này để chi trả một phần chương trình phát triển vắcxin ngừa COVID-19, mang tên BNT162.

Giám đốc điều hành và nhà đồng sáng lập BioNTech, ông Ugur Sahin cho biết: "Đây là đóng góp quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển và mở rộng khả năng sản xuất một loại vắcxin ngừa COVID-19 tại Đức."

[COVID-19: EU đặt mua hàng trăm triệu liều vắcxin của BioNtech-Pfizer]

BNT162 là một trong 3 chương trình vắcxin được nhận tài trợ trong gói 750 triệu euro của Chính phủ Đức nhằm tăng năng lực sản xuất tại Đức và tăng số người liên quan đến thử nghiệm giai đoạn cuối.

Trước đó, cũng trong tháng này, công ty công nghệ sinh học CureVac cũng của Đức cho biết đã nhận được 252 triệu euro tiền tài trợ của chính phủ cho vắcxin "ứng cử viên" của mình.

Hiện có 9 vắcxin đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối, dù một số vấp phải trở ngại - như công ty AstraZeneca và Đại học Oxford đã phải tạm ngừng các cuộc thử nghiệm lâm sàng hồi tuần trước sau khi một tình nguyện viên bị ốm không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, hiện vắcxin của này đã được phép thử nghiệm trở lại.

Đức hỗ trợ BioNTech 445 triệu USD để nghiên cứu vắcxin ngừa COVID-19 ảnh 1Giới thiệu vắcxin ngừa COVID-19 do Công ty Novavax phát triển tại Gaithersburg, bang Maryland, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cùng ngày, công ty Novavax của Mỹ cho biết sẽ tăng gấp đôi lượng vắcxin của mình lên 2 tỷ liều, theo một thỏa thuận với Viện Serum ở Ấn Độ.

Tháng 8 vừa qua, Novavax đã ký một thỏa thuận với Viện Serum - nhà sản xuất vắcxin lớn nhất thế giới - để sản xuất ít nhất 1 tỷ liều vắcxin "ứng cử viên" của mình dành cho Ấn Độ và các nước có thu nhập trung bình và thấp

Tuy nhiên, theo thỏa thuận mở rộng, viện trên sẽ sản xuất một thành phần kháng nguyên của vắcxin này, mang tên NVX-CoV2373.

Novavax hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ hai sau khi giai đoạn đầu cho thấy vắcxin có thể tạo ra một lượng lớn kháng thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.