Đức hối thúc hòa đàm tìm giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine

Tổng thống Putin thông báo với Đức rằng Ukraine đã ngăn chặn các bước tiến trong cuộc đàm phán về cuộc xung đột, và bày tỏ mong muốn duy trì đối thoại với Đức về vấn đề Ukraine ở các kênh khác nhau.
Đức hối thúc hòa đàm tìm giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine ảnh 1Người tị nạn từ thành phố Odessa, Ukraine, sơ tán tới Przemysl, Ba Lan, ngày 12/5. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Ngày 13/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về tình hình xung đột tại Ukraine cũng như các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moskva và Kiev.

Nguồn tin từ báo chí sở tại cho biết cuộc điện đàm được thực hiện theo đề xuất của Đức và được tiến hành sau nhiều tuần hai nhà lãnh đạo này không liên lạc với nhau.

Trang tin của kênh truyền hình Đức Tagesschau dẫn nguồn từ Điện Kremlin cho biết tại cuộc điện đàm, Tổng thống Putin thông báo rằng Ukraine đã ngăn chặn các bước tiến trong cuộc đàm phán về cuộc xung đột này, đồng thời bày tỏ mong muốn duy trì đối thoại với Đức về vấn đề Ukraine ở các kênh khác nhau.

Trang tin T-online dẫn tin từ Điện Kremlin cũng cho biết Tổng thống Putin đã thông báo "cụ thể" về các mục tiêu của Nga ở Ukraine, trong đó hai bên cũng thảo luận về tình hình nhân đạo ở nước này.

[Thủ tướng Đức cam kết duy trì hỗ trợ và liên lạc chặt chẽ với Ukraine]

Trong khi đó, trên Twitter, Thủ tướng Scholz đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine, nhấn mạnh vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.

Trước đó cùng ngày, tại Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Đức, Thủ tướng Scholz cho biết đã tới lúc cần phải khôi phục các nỗ lực và sáng kiến ngoại giao nhằm tìm lối thoát cho cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit, mục đích của các biện pháp này là nhằm sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay.

Cũng theo người phát ngôn, trong cuộc điện đàm kéo dài 75 phút sáng 13/5, Thủ tướng Scholz đã kêu gọi Tổng thống Putin cải thiện tình hình nhân đạo và đạt tiến bộ trong việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, Thủ tướng Scholz đã nhiều lần điện đàm với Tổng thống Putin, gần đây nhất là vào ngày 30/3.

Trong tuần qua, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo Stern, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh khi cần, ông sẽ nối lại liên lạc với nhà lãnh đạo Nga, với ưu tiên là chấm dứt ngay các hành động quân sự tại Ukraine.

Không chỉ nhà lãnh đạo Đức đang nỗ lực cho các giải pháp ngoại giao, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã nhiều lần điện đàm với người đồng cấp Nga.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mới đây cũng đã tới thăm Moskva, nhằm tìm cách giảm leo thang cuộc xung đột ở Ukraine.

Cũng liên quan tình hình Ukraine, Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky bày tỏ sẵn sàng tiếp tục các cuộc đàm phán trực tiếp với Tổng thống Putin, song với điều kiện chỉ đàm phán với ông Putin, không có người trung gian và "đối thoại thay vì ra tối hậu thư."

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine cho tới nay hầu như không đạt kết quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.