Đức hủy hợp đồng với tập đoàn viễn thông Mỹ Verizon

Quốc hội Đức ngày 27/6 đã thông báo hủy hợp đồng sử dụng các dịch vụ của tập đoàn viễn thông Mỹ Verizon sau những cáo buộc về hành vi do thám của tình báo Mỹ.

Quốc hội Đức ngày 27/6 đã thông báo hủy hợp đồng sử dụng các dịch vụ của tập đoàn viễn thông Mỹ Verizon.

Quyết định này được đưa ra sau những cáo buộc về hành vi do thám của tình báo Mỹ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đức Petra Pau cho biết cơ quan lập pháp này sẽ sớm ngừng sử dụng dịch vụ của Verizon. Quốc hội Đức cũng đã thông báo với Verizon quyết định không tiếp tục gia hạn hợp đồng vốn kết thúc vào năm tới.

Theo một phát ngôn viên của Quốc hội Đức, các thành viên Quốc hội cũng như cán bộ, nhân viên hành chính đã được yêu cầu không sử dụng dịch vụ của Verizon trong thời gian còn lại của bản hợp đồng.

Theo bà Pau, Chính phủ liên bang Đức cũng đã ngừng sử dụng dịch vụ của Verizon từ đầu năm 2014 với lý do “chuyển nhà cung cấp dịch vụ."

Trước đó, Bộ Nội vụ Đức cũng tuyên bố Berlin sẽ chấm dứt hợp tác với Verizon, nhà cung cấp dịch vụ cho một số cơ quan Chính phủ Đức, do có dấu hiệu cho thấy công ty viễn thông này chuyển dữ liệu cho Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).

Tuyên bố trên của Quốc hội Đức được đưa ra khi các đại diện của Đức và Mỹ ngày 27/6 bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh “đối thoại mạng” ở Berlin, một hội nghị đặc biệt được hai bên tổ chức sau những cáo buộc nghe lén của NSA.

Phát biểu tại đây, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã kêu gọi cần có quy định chặt chẽ hơn đối với các hoạt động của cơ quan tình báo chính phủ.

Theo những thông tin được cựu nhân viên tình báo Edward Snowden tiết lộ, Washington đã tiến hành các hoạt động do thám quy mô lớn ở Đức, trong đó có việc theo dõi điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Verizon là một trong số các công ty bị tố đã giúp NSA thu thập dữ liệu của hàng triệu người sử dụng Internet và điện thoại, trao cho tình báo Mỹ theo một mật lệnh của tòa án nước này. Phản bác lại những cáo buộc trên, bộ phận Verizon ở Đức khẳng định NSA không thể truy cập thông tin khách hàng lưu giữ ở nước ngoài.

Trước đó, báo Tấm gương tiết lộ rằng Cơ quan Tình báo liên bang Đức (BND) đã bắt tay với NSA trong các hoạt động tình báo với quy mô lớn hơn những gì được công bố cho tới nay. Báo Nam Đức và một số kênh truyền hình nước này cũng đưa tin từ năm 2004-2007, BND đã chuyển dữ liệu điện thoại trực tiếp cho tình báo Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.