Đức kêu gọi sự cạnh tranh công bằng khi đầu tư ở Trung Quốc

Trước các cuộc tham vấn giữa chính phủ hai nước Đức và Trung Quốc tại Berlin ngày 20/6, giới kinh tế khu vực Tây Nam Đức đã kêu gọi cần có các điều kiện tốt hơn cho các công ty Đức.
Đức kêu gọi sự cạnh tranh công bằng khi đầu tư ở Trung Quốc ảnh 1Quang cảnh cuộc tham vấn liên chính phủ Đức-Trung Quốc lần thứ 7 do Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cùng chủ trì tại Berlin ngày 20/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới kinh tế khu vực phía Tây Nam nước Đức đang kêu gọi tạo các điều kiện cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp Đức và Trung Quốc trong bối cảnh Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đang có chuyến thăm Đức nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trước các cuộc tham vấn giữa chính phủ hai nước Đức và Trung Quốc tại Berlin ngày 20/6, giới kinh tế khu vực Tây Nam Đức đã kêu gọi cần có các điều kiện tốt hơn cho các công ty Đức.

Ông Christian Erbe, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại (IHK) bang Baden-Württemberg vốn đại diện cho 650.000 doanh nghiệp phía Tây Nam nước Đức, nêu rõ: "Chúng tôi yêu cầu những điều kiện cạnh tranh bình đẳng. Nếu các công ty Trung Quốc được phép đầu tư vào đây, thì các công ty của chúng tôi cũng cần được như vậy ở Trung Quốc."

[Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh quan hệ hợp tác với Đức]

Ông Erbe một mặt ủng hộ tiến hành sản xuất ở Trung Quốc, song cũng khuyến nghị nên chuyển một số hoạt động sản xuất cho tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á sang một quốc gia khác.

Ông Erbe nêu rõ: "Đó sẽ là biện pháp để có thể tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc, nhưng phải giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc."

Bên cạnh đó, có thể mở rộng ra các thị trường khác, chẳng hạn như khu vực Mỹ Latinh, để giảm rủi ro kinh doanh.

Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của bang Baden-Württemberg.

Trong năm 2022, các công ty ở khu vực Tây Nam nước Đức đã xuất khẩu số hàng hóa trị giá hơn 20 tỷ euro (gần 22 tỷ USD) sang quốc gia khổng lồ châu Á này.

Theo Cơ quan thống kê của bang trên, con số này tương ứng với gần 8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về nhập khẩu, Trung Quốc gần đây đã chiếm vị trí đầu bảng với số hàng hóa trị giá khoảng 39 tỷ euro được nhập từ nước này, chiếm 15% tổng lượng nhập khẩu.

Theo Bộ Kinh tế bang Baden-Württemberg, khoảng 6.000 công ty khu vực Tây Nam Đức đang hoạt động tại Trung Quốc.

Cùng ngày, phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế và công nghệ Đức-Trung Quốc lần thứ 11 ở Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh thế giới đang trải qua thời kỳ thử thách địa chính trị, điều này cũng ảnh hưởng đến quan hệ thương mại và kinh tế quốc tế.

Theo ông Scholz, cả Đức và Trung Quốc đều muốn tiếp tục đạt tăng trưởng kinh tế và đều có lợi khi cùng giao dịch và đầu tư vào nhau, trong đó hơn 100 tỷ euro đầu tư trực tiếp của Đức vào Trung Quốc cũng như các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Đức cũng góp phần đảm bảo tăng trưởng, việc làm và tiến bộ trên con đường hướng tới trung hòa khí hậu.

Đức và Trung Quốc đều rất quan tâm đến việc hợp tác chặt chẽ trong việc phát triển các công nghệ thân thiện với khí hậu và sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn điều này trong khuôn khổ đối thoại về chuyển dịch và khí hậu; thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và hai bên cũng đã ký bản ghi nhớ hợp tác sản xuất hệ thống truyền động bằng điện và hydro, một chủ đề trọng tâm trong quá trình chuyển dịch.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức cũng nêu rõ rằng mọi quốc gia trên thế giới sẽ dễ dàng đạt được các mục tiêu về khí hậu hơn nếu cho phép cạnh tranh công bằng, tiếp cận thị trường rộng mở và một sân chơi bình đẳng; khẳng định rằng cạnh tranh chính là khuyến khích sự đổi mới.

Thủ tướng Scholz cũng cho rằng đại dịch COVID-19 và những diễn biến địa chính trị đã làm gia tăng lo ngại về việc chuỗi cung ứng bị phá vỡ và sự phụ thuộc đầy rủi ro.

Theo ông, nhiều công ty đã đúng khi phản ứng với điều này, dù giảm thiểu rủi ro không có nghĩa là quay lưng lại với toàn cầu hóa.

Ông Scholz nhấn mạnh thương mại thế giới mở và được điều tiết giúp cho nền kinh tế dẻo dai hơn, mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn vì nó mở ra các nhà cung cấp khác nhau, các địa điểm khác nhau và nhiều thị trường bán hàng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.